Hệ thống thanh toán và hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương

TS. Nguyễn Thị Hằng Nga, ThS. Bùi Thị Thanh Vân

Bài viết trình bày về vai trò của hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, gồm: Vị trí cốt lõi của hạ tầng tài chính trong nền kinh tế; Kênh không thể thiếu cho việc điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả; Phương tiện thúc đẩy hiệu quả hoạt động của một nền kinh tế. Đồng thời, bài viết cũng trình bày về mối quan hệ giữa hệ thống thanh toán đối với sự ổn định tài chính và đối với hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Hệ thống thanh toán (HTTT) từ lâu đã trở thành một yếu tố hạ tầng tài chính được các cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan tâm, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự phát triển của HTTT được xem như một cấu phần phát triển then chốt trong cơ sở hạ tầng tài chính của một quốc gia, trải qua những bước tiến trong cách thức thực hiện, từ việc thanh toán bằng tiền mặt, chuyển sang HTTT trên cơ sở trao đổi chứng từ và hiện nay là trao đổi dữ liệu điện tử (Sơn, 2018).

Vai trò của hệ thống thanh toán đối với nền kinh tế

HTTT hình thành nên xương sống của khu vực tài chính, là cơ sở hạ tầng để kết nối các cá nhân, doanh nghiệp và các định chế tài chính với nhau (Điệp, 2017). Nó cho phép tổ chức, cá nhân tham gia vào các giao dịch trong nội bộ một địa bàn, thanh toán theo vùng hoặc cả quốc gia hoặc quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn, nhỏ tiếp cận với các khách hàng trong phạm vi mà HTTT bao phủ. Sự kết nối liên thông qua các HTTT quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong triển khai hiệu quả các chương trình mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của đất nước.

Một HTTT hiệu quả sẽ giúp cho việc thanh toán trở nên an toàn hơn, dễ dàng được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, với quy mô và mức độ khác nhau, góp phần giảm chi phí trao đổi hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các thị trường tiền tệ, thị trường vốn. Ngược lại, một HTTT thiếu tin cậy có thể gây ra nhiều bất ổn và làm suy kiệt năng lực phát triển của nền kinh tế quốc gia. Những yếu kém của HTTT có thể dẫn tới việc sử dụng nguồn lực tài chính kém hợp lý; rủi ro được chia sẻ một cách thiếu công bằng giữa các bên liên quan, gây nên sự thua lỗ cho thành viên tham gia hệ thống, dẫn tới mất lòng tin vào hệ thống tài chính và đồng tiền quốc gia.

HTTT ngày càng giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, vì các lý do sau:

Thứ nhất, toàn cầu hóa và sự tăng trưởng mạnh mẽ của giao lưu thương mại và tài chính quốc tế trong nhiều năm gần đây đã dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng, cả về số lần chuyển tiền và giá trị của từng khoản tiền chuyển.

Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực vụ ngân hàng nói chung và các HTTT nói riêng, các khoản tiền có thể được chuyển đi với tốc độ nhanh hơn nhiều lần qua các HTTT.

Như vậy, vai trò của HTTT trong nền kinh tế là: (1) Giữ vị trí yếu tố cốt lõi của hạ tầng tài chính trong nền kinh tế; (2) Là một kênh không thể thiếu cho việc điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, đặc biệt thông qua chính sách tiền tệ; (3) Là phương tiện thúc đẩy hiệu quả hoạt động của một nền kinh tế.

Mối quan hệ giữa hệ thống thanh toán với sự ổn định tài chính

Những ứng dụng công nghệ tin học hiện đại vào HTTT giúp xử lý nhanh những luồng thanh toán có giá trị lớn. Bởi có sự tập trung các luồng tiền lớn đi qua HTTT, nên tác động của nó đối với sự ổn định tài chính trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là hết sức rõ ràng. Trước hết, trong HTTT, một khoản thanh toán của ngân hàng này là thanh khoản đối với ngân hàng khác. Một sự bất thành trong việc chuyển tiền vì bất kỳ lý do gì đều có thể dẫn đến một bất thành tương tự cho đối tác trong hệ thống và điều này có thể tiếp tục lan nhanh sang các đối tác không liên quan trực tiếp tới thành viên ban đầu (Sơn, 2015).

Tiếp theo, HTTT có thể chuyển tải sự bất ổn tài chính từ nơi này qua nơi khác, từ nơi khởi đầu cho tới từng cấu phần của hệ thống tài chính - và thậm chí làm sự bất ổn đó thêm trầm trọng. Nếu một ngân hàng thành viên bị nghi ngờ về độ tin cậy, các ngân hàng khác có thể trì hoãn trả tiền cho đến khi họ chắc chắn nhận được khoản tiền thanh toán dự tính. Đối với các hệ thống quyết toán ròng, hạn mức tín dụng được cấp cho các thành viên bị nghi ngờ sẽ bị giảm, thậm chí bị cắt, kết quả là số lượng khoản thanh toán được gửi hoặc nhận qua hệ thống sẽ sụt giảm. Thanh khoản hệ thống bị thu hẹp và khả năng gián đoạn hoạt động hệ thống tăng lên (Sơn, 2015).

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa sự ổn định tài chính và HTTT không chỉ bó gọn trong biên giới quốc gia. Trước hết, đó là sự tham gia truy cập vào HTTT từ ngoài biên giới quốc gia của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nghĩa là trở thành thành viên trực tiếp có tài khoản quyết toán tại ngân hàng trung ương (NHTW) mà không cần có sự hiện diện tại quốc gia đó. Nhưng quan trọng hơn, phần lớn các thanh toán được xử lý thông qua HTTT nội địa liên quan tới các giao dịch giữa các bên thuộc quốc gia thứ ba nằm trong mạng lưới đại lý ngân hàng toàn cầu để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Ví dụ, về thị trường hối đoái, sự kiện Herstatt năm 1974 liên quan tới sự vỡ nợ của một ngân hàng nhỏ (Ngân hàng Herstatt) tại Đức, do trước khi vỡ nợ ngân hàng này đã tham gia vào các giao dịch mua bán rất lớn ở thị trường hối đoái quốc tế. Khi bị tuyên bố phá sản, ngân hàng này đã ngừng việc thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình cho đối tác nước ngoài. Điều này sau đó đã làm đảo lộn hoạt động của HTTT bù trừ liên ngân hàng quốc tế tại New York (Clearing House Interbank Payment System - CHIPS).

Mối quan hệ giữa HTTT và sự ổn định tài chính càng rõ nét hơn khi trên thị trường tồn tại trung tâm bù trừ hoặc đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP) cho các thoả thuận bù trừ và quản lý rủi ro. Bằng cách sử dụng đối tác để mua bán giữa các thành viên của thị trường, trung tâm bù trừ được đặt ở vị trí trung tâm, thực hiện thanh toán bù trừ đa phương cho các thành viên của mình, và quản lý rủi ro liên quan tới các trạng thái quyết toán. Việc có hay không sự bảo đảm chắc chắn cho việc thực hiện nghĩa vụ sau bù trừ của các thành viên và của chính trung tâm bù trừ sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sự ổn định tài chính. Việc tập trung kết quả bù trừ của các thành viên vào trung tâm bù trừ khiến cho trung tâm trở nên vô cùng nhạy cảm đối với những biến động của hệ thống, bất kể liên quan tới vấn đề gì – có thật hay chỉ là đồn đại - đối với việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà trung tâm thanh toán bù trừ phải xử lý.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa sự ổn định tài chính và HTTT còn liên quan tới vai trò người cho vay cuối cùng của NHTW và cách thức hành động để xử lý khủng hoảng tài chính. Việc NHTW có bơm thanh khoản hay không để cứu các tổ chức tín dụng (TCTD) thành viên của HTTT nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ hệ thống có liên quan chặt chẽ tới mức độ dự phòng thanh khoản trong ngày của HTTT. Việc ngầm hiểu về sự “bảo đảm” của NHTW khi mà các khoản tín dụng trong ngày không hoàn trả sẽ chuyển thành tín dụng qua đêm, sẽ dẫn tới sự ỷ lại và rủi ro lạm dụng “mạng lưới an toàn” cuối cùng của các TCTD tham gia HTTT gia tăng, theo đó thì dự phòng thanh khoản hệ thống sẽ giảm xuống. Với vai trò này, công việc của NHTW với tư cách giám sát HTTT bao gồm:

- Bảm bảo điều kiện những ngân hàng tham gia trực tiếp trong HTTT phải lành mạnh về mặt tài chính, phải "hiểu biết đầy đủ về các rủi ro, cùng nghĩa vụ trả nợ, kể cả nghĩa vụ chia sẻ thua lỗ trong hệ thống quyết toán ròng".

- Thực thi vai trò giám sát bất kỳ rủi ro nào liên quan đến hệ thống để HTTT hoạt động an toàn, trong đó các HTTT phải do chính NHTW vận hành hoặc nếu do tư nhân vận hành thì phải áp đặt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Hệ thống thanh toán đối với hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương

HTTT đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ mà NHTW đảm nhiệm. Với vai trò trung gian chuyển tiền giữa người trả và người nhận, HTTT tạo ra mối liên kết giữa chính sách tiền tệ và các hoạt động kinh tế.

Việc chuyển đổi chính sách tiền tệ từ nhấn mạnh biện pháp hành chính, quản lý trực tiếp như áp trần lãi suất hoặc trần tín dụng, sang sử dụng các công cụ gián tiếp để tác động tới cung tiền, thông qua dự trữ bắt buộc, yêu cầu về thanh khoản, nghiệp vụ thị trường mở, đã làm nổi bật tầm quan trọng của các HTTT. Với công cụ dự trữ bắt buộc, NHTW có thể điều chỉnh mức dự trữ mà các ngân hàng thương mại phải duy trì, nhằm tác động đến sự cân bằng giữa cung và cầu về tiền, từ đó tác động đến lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng và tác động lên cả chuỗi lãi suất trong nền kinh tế. Với nghiệp vụ thị trường mở, NHTW cũng tác động tới nguồn cung ứng vốn, từ đó tác động tới lãi suất thị trường theo hướng NHTW muốn thiết lập. Các công cụ chính sách tiền tệ như vậy chỉ có thể vận hành hiệu quả với các điều kiện: (1) Các thị trường tiền tệ liên ngân hàng hoạt động năng động, vốn khả dụng luân chuyển trôi chảy giữa người đi vay và cho vay; (2) NHTW có khả năng dự đoán những tác động của chính sách tiền tệ đến tính thanh khoản của thị trường tiền tệ - đặc biệt là các luồng tiền lớn giữa chính phủ và các khu vực tư nhân.

Để đáp ứng hai điều kiện trên, cần có một HTTT vận hành trôi chảy, an toàn, hiệu quả, và thực hiện quyết toán trong ngày. HTTT vận hành an toàn, hiệu quả một mặt góp phần vào việc duy trì ổn định nhu cầu dự trữ của các ngân hàng; mặt khác cho phép NHTW có thể định lượng tác động của chính sách tiền tệ lên nguồn vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng; đồng thời càm tăng tính thanh khoản của thị trường tiền tệ và các thị trường tài chính nói chung;

Một HTTT kém hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến sự “trôi nổi vốn trong thanh toán” (khoảng thời gian tiền đã bị trừ khỏi tài khoản của bên trả nhưng chưa đến tài khoản của bên nhận, đây là khoảng thời gian mà cả bên mua và bên bán đều không thể sử dụng được số tiền này) (Xuân, 2007). Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các HTTT có cấu trúc phi tập trung, trong đó mỗi ngân hàng thương mại phải có tài khoản quyết toán tại các địa phương khác nhau của NHTW. Nếu như khoảng thời gian từ khi ghi nợ tài khoản quyết toán của ngân hàng người trả tiền cho đến khi ghi có tài khoản quyết toán của ngân hàng người nhận tiền càng kéo dài và không định liệu được, thì càng khó khăn trong việc dự báo mức độ tác động của chính sách tiền tệ lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này làm yếu đi sự phát triển các công cụ của thị trường tiền tệ, và yếu đi hoạt động của thị trường liên ngân hàng.

HTTT kém hiệu quả được xem là vấn đề nghiêm trọng, yếu tố cản trở khả năng kiểm soát và điều tiết tiền tệ bằng các công cụ gián tiếp tại các nước chuyển đổi (Baliño và cộng sự, 1994). Thực tế là sau khi nhiều nước thực hiện việc chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp sang ngân hàng hai cấp, phương thức mới để thực hiện thanh toán nhanh chóng được thiết lập, nhưng đã không đạt được hiệu quả: các quy định đưa ra không phù hợp, công nghệ kém phát triển và cấu trúc phi tập trung của các HTTT. Thời gian thanh quyết toán kéo dài đã khiến cho những động thái chính sách tiền tệ phải mất một thời gian dài mới tác động tới thị trường tiền tệ.

Các HTTT đã và đang tiếp tục mở rộng về phạm vi, quy mô hoạt động, giao diện, liên kết hệ thống. Theo đó vai trò của nó sẽ ngày càng được nâng cao, trong các mối quan hệ ràng buộc, tương tác giữa hệ thống này và hệ thống khác trong một quốc gia, giữa quốc gia này và quốc gia khác và trên phạm vi toàn cầu. Việc phát triển HTTT quốc gia có vai trò quyết định đối với hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, cũng như đóng góp tích cực cho việc bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả của hệ thống các TCTD. Vì vậy, phát triển HTTT quốc gia sẽ có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHTW trong thực thi vai trò kinh tế - xã hội của mình về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghiêm Thanh Sơn (2018), "Nâng cao vai trò giám sát các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tình hình mới", Tạp chí Ngân hàng (5/2018);
  2. Nghiêm Thanh Sơn (2015), "Hoàn thiện cấu trúc tổng thể các hệ thống thanh toán của quốc gia đến năm 2020", Tạp chí Ngân hàng (4/2015);
  3. Nguyễn Văn Xuân (2007), "Giải pháp quản lý rủi ro về kỹ thuật công nghệ đối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đề tài nghiên cứu cấp ngành" (mã số VNH 2007.02);
  4. Vũ Văn Điệp (2017), "Thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam và một số kiến nghị", Tạp chí Công Thương (12/2017).
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024