Hiện đại hóa hải quan, đảm bảo xuất nhập khẩu thông suốt

Trần Huyền

Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã không ngừng cải cách, hiện đại hóa mọi mặt. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng những cải cách của ngành Hải quan đã góp phần đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngành Hải quan đã không ngừng cải cách, hiện đại hóa nghiệp vụ. Ảnh: internet
Ngành Hải quan đã không ngừng cải cách, hiện đại hóa nghiệp vụ. Ảnh: internet

Tái thiết hệ thống công nghệ thông tin

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Hải quan hiện đang tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp đã được đề ra để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng;

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, chuyển đổi số là xu thế thời đại, ngành Hải quan là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào các quy trình nghiệp vụ. Trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”.

Ngành Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu này.

Chia sẻ về chuyển đổi số của ngành Hải quan, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan thông tin, việc phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu của hải quan được thực hiện theo luồng xanh, vàng, đỏ.

Hiện nay, luồng đỏ đã tiệm cận với mức của các nước trên thế giới. Luồng xanh được thực hiện không có sự can thiệp của cán bộ hải quan, toàn bộ việc phân luồng và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, quyết định thông quan... hoàn toàn được thực hiện tự động trên hệ thống công nghệ thông tin.

Ông Thành nhấn mạnh, để giảm bớt tỷ lệ luồng vàng sâu hơn nữa, công tác quản lý, đặc biệt là công tác định danh đối tượng xuất nhập khẩu cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu là vấn đề mà hiện nay Hải quan đang nỗ lực triển khai.

Theo đó, trên cơ sở quản lý định danh gồm: định danh đối tượng xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất nhập khẩu và số hóa hồ sơ, cơ quan hải quan đang tái thiết hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan để có thể hoạt động trên môi trường số. Sau đó sẽ đến bước xây dựng toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin để có thể thực hiện được quy trình sau khi được tái thiết kế.

Góp phần đảm bảo thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu

Trước những nỗ lực của ngành Hải quan trong hiện đại hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao nỗ lực của ngành Hải quan trong công tác này.

Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, Hải quan là ngành tiên phong áp dụng các bộ công cụ quản lý hiện đại trong công tác. Tương tác hải quan - doanh nghiệp đã cho thấy vai trò của ngành Hải quan là vô cùng quan trọng, không thể thiếu được trong công tác "gác cửa cho dòng chảy thương mại". Ngành Hải quan đã coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Son Won Sik - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), chủ trương hiện đại hóa hải quan thông qua hệ thống điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ thống hải quan thông minh, ban hành chính sách quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa… đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đại diện Korcham cho biết thêm, cơ quan hải quan còn không ngừng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bố trí nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến để trao đổi, thảo luận và giải đáp các vấn đề vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp. Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp của ngành Hải quan được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao.