Ngành Thép đầu tư nâng cao năng suất, giảm áp lực
Trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là giải pháp then chốt có thể giúp các doanh nghiệp ngành Thép gia tăng cạnh tranh, giảm bớt áp lực.
Khó trong khó ngoài
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành Thép Việt Nam hiện nay đang đứng đầu danh sách về các vụ kiện phòng vệ thương mại và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Riêng trong giai đoạn 2004 - 2022, các nước trên thế giới đã kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với gần 70 vụ việc.
Những vụ kiện này không chỉ đến từ các thị trường xuất khẩu lớn và “khó tính” như Mỹ, Canada, EU mà còn ngay tại thị trường quen thuộc một số nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Ðiều này đã đưa ngành Thép trở thành ngành có áp lực chịu kiện phòng vệ thương mại lớn nhất và dự báo xuất khẩu các sản phẩm từ thép sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới.
Không chỉ xuất khẩu gặp khó, ngay tại thị trường trong nước, áp lực cạnh tranh cũng rất khốc liệt khi làn sóng thép nhập khẩu đang ồ ạt vào nước ta, nhất là với thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Những năm gần đây, ngành Thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung, chi phí sản xuất tăng. Trước xu hướng này, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư của mình sang các nước khác.
Các chuyên gia cho rằng, tuy lợi nhuận ngành Thép từ cuối năm 2023 đến nay khả quan hơn so với năm ngoái, nhưng thị trường thép Việt Nam vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc.
Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng
Trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn như hiện tại, theo không ít chuyên gia kinh tế, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là giải pháp then chốt có thể giúp các doanh nghiệp ngành Thép gia tăng cạnh tranh, giảm bớt áp lực.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp ngành Thép đã và đang đẩy mạnh cải tiến, đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng của mình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ví dụ điển hình là Công ty CP Ống thép Việt Đức (VG PIPE). Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại.
Cho đến nay, thép Việt Đức đã mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến của các nước châu Âu và Nhật Bản với tỷ lệ tự động hóa cao cho 38 dây chuyền sản xuất thép, dây chuyền xả băng.
Trong đó, hoạt động quản lý và sản xuất của công ty thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và chương trình cải tiến 5S theo Nhật Bản.
Các sản phẩm của Thép Việt Đức sản xuất ra đều theo tiêu chuẩn trong nước và Quốc tế như: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); Tiêu chuẩn Nhật Bản (JISG 3112); Tiêu chuẩn Mỹ (ASTM) và tiêu chuẩn của các nước tiến tiến trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như sẵn sàng đáp ứng cho quá trình hội nhập.
Nhờ đó mà công ty đã khẳng định vị trí top 4 doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ ống thép trong nước lớn nhất tại Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu là trên 50%.
Một doanh nghiệp điển hình nữa phải kể tới là Công ty Tân Á Đại Thành. Doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất bình nước nóng lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2 triệu sản phẩm/năm tại Hà Nam theo theo mô hình nhà máy thông minh.
Tân Á Đại Thành là một trong số ít các đơn vị sớm áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là với nhà máy có quy mô tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành Thép đã rất nỗ lực trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới thị trường quốc tế, nâng cao vị trí cạnh tranh.
Để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy thế mạnh và chú trọng tiếp cận khoa học, bắt kịp xu hướng CMCN 4.0 hiện nay.