Doanh nghiệp được địa phương “trợ lực” nâng cao năng suất
Tại nhiều địa phương trên cả nước như Long An, Hòa Bình…, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh.
Doanh nghiệp có nhu cầu nâng cao năng suất rất cao
Long An đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế khu vực và quốc gia. Nắm bắt tiềm năng to lớn trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, Long An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển.
Tuy nhiên, để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Long An cần không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa đã được Long An triển khai, mang đến giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp địa phương.
Mục đích dự án nhằm xác định nhu cầu áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, đánh giá thực trạng năng suất chất lượng hiện tại của doanh nghiệp; đánh giá mức độ quan tâm và sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ.
Dự án được tiến hành khảo sát thông qua: Tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp để thu thập thông tin chi tiết về nhu cầu, định hướng phát triển và những khó khăn, thách thức trong việc nâng cao năng suất, chất lượng. Tham quan thực tế nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp; quan sát trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá năng lực sản xuất, quy trình vận hành, và tiềm năng cải tiến.
Thu thập và phân tích các báo cáo, số liệu thống kê liên quan đến năng suất chất lượng của doanh nghiệp; phân tích dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp như báo cáo sản xuất, báo cáo tài chính, đánh giá khách hàng…
Kết quả cho thấy, doanh nghiệp Long An có nhu cầu rất cao trong việc nâng cao năng suất, chất lượng. Hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được tham gia chương trình hỗ trợ của tỉnh.
Đối mặt không ít khó khăn
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại Long An vẫn còn gặp khó khăn như: Thiếu hụt hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, dẫn đến lãng phí, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Nhân viên chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng về quản lý chất lượng, khó áp dụng các tiêu chuẩn và công cụ cải tiến. Máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất chưa được nâng cấp, gây cản trở năng suất. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa, lãng phí thời gian, nguyên vật liệu, dẫn đến năng suất thấp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bứt phá và nâng tầm cạnh tranh, Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm, hàng hóa đề xuất các giải pháp: Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên doanh nghiệp về hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, ISO 14001, 5S, Kaizen, Halal… cùng các công cụ cải tiến năng suất phù hợp.
Tư vấn hướng dẫn chi tiết về phương pháp triển khai, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến hiệu quả; theo dõi sát sao quá trình triển khai, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hiệu quả.
Kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng, hỗ trợ xây dựng, triển khai và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả.
Không chỉ Long An, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ chủ yếu, các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi quản lý được giao, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã lồng ghép thực hiện các nội dung của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Nhờ đó, sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Hoà Bình ngày một được cải thiện về chất lượng và được nhiều thị trường khó tính tiếp nhận, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư nhiều hơn nữa vào các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá để chương trình được tổ chức thực hiện ngày một hiệu quả hơn, năm sau đạt nhiều kết quả hơn năm trước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, để tận dụng tốt các hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần tích cực áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng đã được tư vấn hướng dẫn; chuẩn bị nguồn lực để nâng cấp công nghệ, đổi mới thiết bị, đào tạo nhân lực, nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm hàng hóa.