Hiến kế tiêu thụ nông sản trước ảnh hưởng của dịch Covid-19
Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản đã được các bộ, ngành, địa phương đưa ra, theo đó việc tập trung đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tháo gỡ khó khăn ở khâu lưu thông, vận chuyển cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân, chỉ có như vậy thì nông dân sản xuất hàng hóa mới đúng tín hiệu, nhu cầu thị trường.
Như VnBusiness đã thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19” để bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó kịp thời trước các tác động của dịch bệnh. Theo đó, nhiều giải pháp khơi thông đầu ra cho nông sản đã được đưa ra.
Làm sao để "được mùa nhưng không mất giá"
Đại diện Cục Trồng trọt (NN&PTNT) cho biết, điều kiện thời tiết, khí hậu những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 nhìn chung thuận lợi cho vải, nhãn phía Bắc phân hóa hoa, ra hoa, đậu quả; dự báo sản xuất vải, nhãn năm 2021 tiếp tục được mùa.
Trong đó, dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020; gồm: trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn (chiếm khoảng 26,5% tổng sản lượng), vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn (73,5%). Dự kiến sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300 nghìn tấn, tăng trên 13% so với năm 2020 (265 nghìn tấn).
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch CCovid-19 diễn biến phức tạp những ngày gần đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra nhiều khó khăn mà nông dân, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp gặp phải.
Đơn cử, các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp (DN) tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các DNVVN, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm.
Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận của các DN suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, nên áp lực chi phí, phí, thuế với DN rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.
Hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Do vậy, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành lên kịch bản ứng phó.
Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương này đã xây dựng 3 kịch bản để chủ động tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, việc tiêu thụ vải thiều không gặp ảnh hưởng lớn thì sẽ phấn đấu xuất khẩu khoảng 50% trong tổng sản lượng 180.000 tấn vải thiều. Kịch bản thứ 2 là nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì phấn đấu tiêu thụ trong nước 70%, 30% phục vụ xuất khẩu. Kịch bản thứ 3, nếu dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện thì thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn Lan cho biết, nhiều loại trái cây trên địa bàn Tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Sơn La có khoảng 78.650 ha diện tích trồng cây ăn quả với sản lượng 430.000 - 450.000 tấn, trong đó có 8.600 ha mận đã vào vụ thu hoạch, hiện đã tiêu thụ được 15.000 tấn, còn khoảng 40.000 tấn đang chờ được tiêu thụ. Ngoài ra, Sơn La còn có 19.000 ha xoài, sản lượng 65.000 tấn và khoảng 54.000 tấn chuối đang vào vụ thu hoạch.
Theo đó, đại diện Sơn La kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương sớm thành lập tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong vấn đề tiêu thụ nông sản.
Tập trung vào các thị trường có FTA
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thống kê chỉ ra ở các thị trường mà Việt Nam có Hiệp định FTA, nông sản Việt vẫn chiếm thị phần thấp, dao động từ 3-10%.
"Điều này cho thấy dung lượng thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Để tận dụng được dung lượng thị trường này, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay thì đầu tiên bản thân DN cũng như các địa phương phải thay đổi cách cách thức sản xuất", ông Chinh khuyến nghị.
Mặt khác, theo ông Chinh, trong bối cảnh Covid-19 thì các hoạt động giao dịch trực tiếp như đi tham quan, hội chợ không triển khai được mà cần đẩy mạnh phương thức online. Thời gian vừa qua, các DN đã thực hiện tốt vấn đề này, tuy nhiên với tình hình Covid hiện nay thì đây là một trong những giải pháp phải tiếp tục đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, cần phổ biến cho các DN, HTX nhận biết thêm các lợi thế cũng như các lợi ích mà các FTA mang lại để tiếp tục tận dụng, phát triển. Tuy vậy, ông Chinh cũng cho rằng, nông sản Việt Nam vẫn cần vượt qua các rào cản kỹ thuật, có các giấy chứng nhận thì mới tận dụng tốt các FTA.
Đáng chú ý, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh Covid-19 cần xây dựng các kịch bản chung, đồng thời các địa phương, doanh nghiệp cũng phải có kịch bản của mình, khi dịch lên cao, phức tạp khó kiểm soát thì sẽ xử lý ở mức độ nào, vận chuyển lên biên giới ra sao, điều phối như thế nào…
"Do vậy, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần "ngồi" lại với nhau để có được những kịch bản cụ thể... Trường hợp ở Hải Dương là một ví dụ, khi dịch xảy đến thì chúng ta tương đối lúng túng trong việc xử lý hàng hóa ra khỏi tỉnh và vào trong tỉnh", ông Chinh nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn ra Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2021.
Ông Tuấn cho biết, Đề án tập trung vào phát triển thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, các sở ban, ngành cần tìm DN đủ lực, đủ mạnh, liên kết với nông dân, HTX xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản trong nước cũng như XK. Từ đó đưa ra thông điệp với nông dân là sản xuất theo đúng tín hiệu, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, DN cần liên kết chặt chẽ với nông dân, tìm thị trường để người nông dân sản xuất sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, trước hết ngành nông nghiệp cần vừa tập trung sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống dịch COVID-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán.