Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam
(Tài chính) Đó là chủ đề cuộc Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Dự án USAID/GIG phối hợp tổ chức ngày 18/12/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm đánh giá những tác động tiềm năng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam và nguồn thu ngân sách nhà nước trong tương lai. Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện CL&CSTC và ông Jonathan Simon, Giám đốc Dự án USAID/GIG đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Hiệp hội lương thực Việt Nam, Hiệp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Thủy sản An Giang, Hội nghề cá Bình Thuận, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tập đoàn Bảo Việt, các nhà khoa học, quản lý đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đại diện Sở Tài chính, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh…
Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật bản, Chi Lê, và các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, NewZealand và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại với EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Với mục tiêu thiết lập mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, TPP được đánh giá là hiệp định thương mại của thế kỷ XXI. TPP hướng đến 5 điểm chính:
(i) Thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng;
(ii) Xây dựng hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm và nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên;
(iii) Hình thành khung Hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn khác;
(iv) Coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP;
(v) Xây dựng TPP thành một Hiệp định mở cho các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cho đến thời điểm hiện tại, với sự tham gia của 12 nước (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore, Brunei, Việt Nam và Nhật Bản), TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 804 triệu người (11,2% thế giới) và sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. Vì vậy, TPP được kỳ vọng sẽ đem đến những cơ hội lớn cho Việt Nam, kết nối nền kinh tế của Việt Nam với Mỹ và các nước thành viên khác.
Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cũng đem lại nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Đối với Việt Nam, các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, yêu cầu về minh bạch hóa và các nguyên tắc nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhà nước sẽ cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân… trong TPP là những thách thức không nhỏ. Ngoài ra, trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước kém phát triển nhất nhưng phải thực hiện các cam kết bình đẳng, không phân biệt đối xử trên nguyên tắc “có đi, có lại”.
Do đó, việc đánh giá những điểm thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi tham gia TPP, phân tích các tác động của TPP đến nền kinh tế Việt Nam là sự chuẩn bị cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia TPP một cách chủ động và hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, trong đó tập trung chủ yếu vào một số nội dung cụ thể như: (i) Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và sự tham gia của Việt Nam; (ii) Những khó khăn và thách thức đối với Việt Nam khi thực hiện các cam kết FTA; (iii) Minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, TPP sẽ đem đến các cơ hội chính cho nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: Cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu (đặc biệt là các ngành hàng dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, cà phê, cao su…); mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam; tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế ở bậc cao hơn và sâu hơn; Tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Hoàn thiện môi trường thể chế; tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và tạo việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Chi Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, TPP cũng đặt ra những thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam như: Tạo ra sức ép cạnh tranh trực tiếp đối với sản xuất trong nước từ việc giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư…; đồng thời, tạo ra sức ép hoàn thiện môi trường thể chế và điều chỉnh hệ thống pháp luật.
Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp đã nêu lên sự cần thiết được hỗ trợ thêm thông tin và hướng dẫn pháp lý để đảm bảo các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh hội nhập sâu của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Các đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cho rằng, cần phổ biến kinh nghiệm, đánh giá việc thực hiện những nội dung cam kết liên quan đến thị trường tài chính của ASEAN, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hội nhập theo thỏa thuận TPP.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội cho biết, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải có quản trị công ty tốt, đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán, đặc biệt phải chú trọng minh bạch thông tin doanh nghiệp… mới tận dụng được các cơ hội để thu hút vốn ngoại, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia TPP.
Tại Hội thảo, các nội dung thảo luận về cơ hội và thách thức đối với các cơ quan chính phủ và khu vực doanh nghiệp, phân tích một số bài học kinh nghiệm cụ thể trong quá trình thực hiện các FTA đã ký kết… đã thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều đại biểu.