Hiểu đúng về thuật phong thủy
Nhắc đến phong thủy, người ta thường nghĩ ngay đến việc xem tử vi, xem tuổi, xem tướng, hướng nhà, bố trí phòng ốc sân vườn… Nhưng thực sự, phong thủy không chỉ có vậy.
Phong thủy nghĩa là “gió” và “nước”. Gió không thổi thì ngột ngạt, bí bách, nước không chảy thì tù túng, ẩm thấp. Nhưng gió quá mạnh thì khí tan, nước chảy xiết thì khí không tụ được. Nhiệm vụ của phong thủy là vận dụng nhuần nhuyễn những yếu tố địa hình địa thế để không khí được thông thoáng mà không thành gió mạnh, nước được chảy mà phải có điểm dừng.
Phong thủy là tổng hòa của hàng loạt những yếu tố về địa hình, địa thế xung quanh khu vực nơi con người sinh sống hoặc mồ mả. Nói một cách đơn giản, phong thủy là phương pháp thiết kế, xây dựng những kiến trúc hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh, hợp với địa thế, đẹp về thẩm mĩ, lợi về sinh hoạt. Một căn nhà hợp phong thủy là căn nhà thông thoáng mà tránh được gió mưa, kín đáo mà không ẩm thấp, tù đọng, như thế mới có sức sống, mới bền lâu được.
Thuật phong thủy được hình thành từ rất sớm. Từ thời nguyên thủy, con người sống theo lối du canh, du cư, trải qua một thời gian dài tiến hóa đến định canh, định cư, dần dần biết chú ý đến ảnh hưởng của tự nhiên đến nơi cư trú của mình, từ đó dần tích lũy những kinh nghiệm khoét đá, đào hang, dựng nhà… Từ cuộc sống thực tế khắc nghiệt, họ phải biết chọn nơi ở có núi sông bao bọc, vừa tránh được mưa to gió lớn, thiên tai lũ lụt, lại dễ dàng trồng trọt chăn nuôi.
Thời Tiên Tần, các hình thức bói toán dự đoán cát hung trở nên rất thịnh hành trong xã hội, cùng với hoạt động xây dựng nhà ở và mai táng. Các học thuyết âm dương, ngũ hành, bát quái, dịch quẻ, hà đồ lạc thư cũng phát triển mạnh, được áp dụng vào để bói chọn nơi ở và mồ mả.
Thuật phong thủy dần có được những cơ sơ lý luận triết học từ đó. Đến thời Lưỡng Hán, niềm tin vào việc nhà ở và mồ mả có quan hệ mật thiết với cát hung họa phúc của con người ngày càng trở nên phổ biến, cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt những điều cấm kỵ mang màu sắc mê tín.
Phong thủy chia làm hai lĩnh vực là dương trạch và âm trạch. Dương trạch là nơi sinh sống của con người, bao gồm nhà cửa, đình chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố. Âm trạch, nghĩa đen là “nơi ở của người âm”, tức là mồ mả.
Người xưa rất kính trọng ông bà tổ tiên, họ quan niệm con người chết đi sẽ sang một thế giới khác, cũng cần phải xây một nơi thật tốt để ông bà tổ tiên an nghỉ, có như thế con cháu mới yên lòng, mới được hưởng phúc đức. Từ đó, dần dần hình thành nên hệ thống lý luận phong thủy âm trạch.
Về nguyên lý cơ bản thì phong thủy âm trạch và dương trạch có nhiều điểm tương đồng, nhưng do sự khác biệt âm - dương, người chết - người sống nên kỹ thuật ứng dụng phong thủy âm trạch và dương trạch rất khác nhau.
Phong thủy có hai trường phái lớn, đó là phái Hình thế và phái Lí khí. Phái Hình thế xuất phát từ Giang Tây (Trung Quốc), chú trọng đến xem hình thế, bố cục của sông núi, bởi vậy còn được gọi là phái Loan đầu. Trong khi đó, phái Lí khí, xuất phát từ Phúc Kiến (Trung Quốc), chủ yếu dựa vào những lý luận triết học trừu tượng, sử dụng la bàn làm công cụ chính, căn cứ vào âm dương, ngũ hành, can chi, bát quái, cửu cung, dịch quẻ. Phái này chú trọng phương vị là chính, phương vị khác nhau có khí khác nhau, tốt xấu khác nhau, chứ không quan tâm nhiều đến hình dáng cụ thể của nhà, đất, sông, núi, bởi vậy còn gọi là “ốc trạch pháp”.
Cũng giống như mọi ngành khoa học kỹ thuật khác ở Á Đông, thuật phong thủy cũng dựa vào những tư tưởng triết học Á Đông cổ đại làm cốt lõi, như dịch lý, thuyết âm dương ngũ hành… Bản chất của phong thủy là sự cân bằng, tạo được sự cân bằng, hài hòa âm dương giữa các yếu tố của ngôi nhà và xung quanh ngôi nhà.
Có lẽ bởi vậy mà phong thủy vẫn thường bị phủ lên mình một lớp màn thần bí, hoang đường. Trên thực tế, nếu truy nguyên về nguồn gốc hình thành phong thủy, có thể thấy đó là một môn khoa học rất gần gũi và thiết thực với đời sống con người, thể hiện trí tuệ sâu sắc của người xưa.