Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh nội địa hóa, chiếm lĩnh thị phần


Theo chuyên gia, để giữ được miếng bánh thị phần, doanh nghiệp ngành cơ khí cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động thích ứng chuỗi cung ứng.

Nhiều sản phẩm của Intech cơ khí được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO) 2024. Ảnh: Đ.N
Nhiều sản phẩm của Intech cơ khí được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO) 2024. Ảnh: Đ.N

Đẩy mạnh nội địa hóa, nâng cao tỷ trọng sản xuất trong nước

Đánh giá về tình hình phát triển ngành cơ khí hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, thời gian qua, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, hiệp hội, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành cơ khí đã có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Ngành cơ khí - máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Tuy nhiên, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cũng cần thừa nhận, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến nay, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất linh phụ kiện, hàng gia dụng, dụng cụ và phụ tùng cho ô tô. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm cơ khí đòi hỏi công nghệ cao, doanh nghiệp nội địa lại chưa thể đáp ứng sản xuất. Ngoài ra, việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay, để đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành công nghiệp máy móc và thiết bị cần đẩy mạnh nội địa hóa, nâng cao tỷ trọng sản xuất trong nước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư nghiên cứu, phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cao của thị trường.

"Đặc biệt, để giữ được "miếng bánh" thị phần, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng dư địa từ các hiệp định thương mại tự do đã có tìm kiếm cơ hội mới" - chuyên gia Thịnh cho hay.

Về tiềm năng của ngành, theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), nhu cầu thị trường máy móc trong nước có thể đạt 310 tỷ USD vào năm 2030, nhưng phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, VAMI cho rằng, để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực để phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chủ động thích ứng chuỗi cung ứng

Xác định thích ứng là yếu tố then chốt chen chân vào chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã có nhiều đổi mới, tận dụng cơ hội để phát triển. Trao đổi với Báo Công Thương về kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp thời gian qua, ông Vương Phúc Hà - đại diện Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật công nghiệp Việt Nam (Intech Group) - cho biết: Để nắm bắt cơ hội phát triển, công ty đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa tệp khách hàng đã mang lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp. Hiện 70% doanh thu của doanh nghiệp đến từ khách hàng trong nước, 30% còn lại đến từ thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của khách hàng Nhật Bản, ông Hà cho biết: Doanh nghiệp đang tập trung cải tiến quy trình sản xuất từ khâu nhập nguyên liệu đến gia công, lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm, với khoảng 90% sản phẩm được kiểm tra trước khi giao cho khách hàng.

"Về góc độ mở rộng thị trường, đại diện doanh nghiệp cho biết, công ty đang hợp tác với các đối tác như Bitexco, các công ty thương mại để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với việc ứng phó với sự biến động của thị trường, công tác đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa, đồng thời nhấn mạnh chất lượng sản phẩm được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng" - ông Vương Phúc Hà nói.

Bên cạnh đó, ngoài việc cam kết thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững trong ngành cơ khí, tự động hóa, công nghệ và năng lượng xanh thông qua việc áp dụng các giải pháp tiên tiến trong hoạt động sản xuất, theo ông Hà, trong năm 2025, Intech Group hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra quốc tế; môi trường làm việc chuẩn quốc tế; chất lượng sản phẩm, dịch vụ chuẩn quốc tế, mục tiêu tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới bằng các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ chuyên nghiệp.

Cũng là doanh nghiệp thích ứng nhanh với thị trường, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Dụng cụ AN MI (AN MI TOOLS) - cho biết, trước những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đến Việt Nam đầu tư sản xuất và tìm kiếm nhà phân phối buộc các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải vận động.

Theo đó, ông Phong cho hay, AN MI TOOLS đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng FDI và hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về dụng cụ cắt gọt, thiết bị đo kiểm, các loại máy móc, phụ kiện máy để cung cấp cho thị trường trong nước. Nhờ vậy, công ty đã trở thành đại diện của hãng Dormer & Pramet tại Việt Nam và đối tác chiến lược của Công ty 21C (Hàn Quốc).

Theo xu hướng phát triển, AN MI TOOLS đã đầu tư loạt máy móc sản xuất công nghệ cao của các hãng hàng đầu thế giới trong quá trình sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 750 tỷ đồng năm 2025, 1.000 tỷ đồng năm 2026 và 1.500 tỷ đồng năm 2027.

Với sự nhanh nhạy thị trường đã cho thấy, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu, thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kết - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam - cho hay, hiện sản phẩm nội địa hoàn toàn có thể không thua kém hàng ngoại nhập về chất lượng và độ chính xác. Tuy nhiên, theo ông Kết, để cạnh tranh được, doanh nghiệp cần thêm các cơ chế khuyến khích; trong đó ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước.

“Muốn vực dậy ngành cơ khí trong nước, điều đầu tiên phải có thị trường. Nhưng để có được thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế riêng cho ngành. Đơn cử như ưu tiên hàng trong nước bằng việc sản phẩm nào đã sản xuất được và sản xuất tốt, thì hạn chế nhập khẩu và có thể sử dụng cho các dự án"- ông Kết nhấn mạnh.

Theo Báo Công thương