Hiệu quả kinh tế tập thể

Theo Trúc Linh/Báo Hậu Giang

Huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là nơi có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nên số lượng hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực này khá nhiều. Nhờ biết thích ứng theo điều kiện thị trường và biến đổi mô hình mà hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể của huyện có nhiều hiệu quả.

Nhờ thay đổi cách làm mà HTX Nông nghiệp Phước Lộc trữ lúa tại kho, chờ giá đã mang về hiệu quả kinh tế cho thành viên.
Nhờ thay đổi cách làm mà HTX Nông nghiệp Phước Lộc trữ lúa tại kho, chờ giá đã mang về hiệu quả kinh tế cho thành viên.

Đầu tiên phải kể đến việc thích ứng kịp thời theo diễn biến thị trường và nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay của HTX Nông nghiệp Phước Lộc, xã Trường Long A. HTX đã vận động, chuyển đổi tư duy từ làm nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nhờ vậy, các thành viên, nông dân của HTX không sợ thua lỗ mà còn lãi đậm chỉ trong thời gian 15 ngày khi mà đại dịch hoành hành.

Được biết, vụ lúa Thu đông năm nay, HTX Nông nghiệp Phước Lộc đã mang về lợi nhuận cho quỹ HTX với số tiền gần 300 triệu đồng. Vào đầu vụ lúa cũng là lúc toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, công đoạn thu hoạch vô cùng khó khăn và khó nhất là đầu ra cho hạt lúa.

Lúc này, giá lúa bên ngoài thị trường đã xuống dưới 5.250 đồng/kg. Có sẵn lò sấy với công suất 100 tấn/ngày, HTX đã thu gom tất cả lúa của thành viên trong HTX lại để sấy, trữ lại. Với sức chứa 1.400 tấn lúa, HTX đã trữ lại được gần 400 tấn lúa khô để chờ ngày được giá mới bán.

Ông Trần Trung Kiên - Giám đốc HTX Phước Lộc, cho hay: “Nhờ năm qua, HTX được tỉnh hỗ trợ đầu tư nhà kho - lò sấy theo dự án VnSAT với số tiền 7 tỉ đồng, thành viên HTX đã góp thêm 900 triệu đồng mà hoàn thành được công trình. Nhờ đó, năm nay HTX đã thực hiện được mục tiêu hoạt động của mình. Hơn nữa, cũng nhờ sự tin tưởng, đồng thuận của thành viên, bà con để cho HTX thay mặt ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp và trữ lúa tại đây mới đạt được thành công như hôm nay.

Ông Võ Văn Sáu - Thành viên HTX Nông nghiệp Phước Lộc, bày tỏ: “Cũng nhờ tham gia HTX, được HTX sấy, trữ lúa mà năm nay tôi cũng như các anh em trong HTX lời đậm vì lúa tăng gần 1.000 đồng/kg sau thời gian hơn 10 ngày trữ lúa. Riêng tôi với hơn 5ha đất, với giá bán lúa 7.200 đồng/kg, tôi đã thu về lợi nhuận được hơn 150 triệu đồng, mỗi héc-ta tôi lời khoảng 30 triệu đồng”.

Với cách làm hiệu quả có tính toán trước đó mà HTX đã thay đổi được cách làm nông nghiệp từ trước đến nay HTX đã từng làm. Vậy nên, nông dân đã hoàn toàn tin tưởng, đăng ký gia nhập HTX thêm từ 150 (năm 2020) lên 195 thành viên (năm 2021). Số vốn điều lệ không ngừng tăng lên từ 200 triệu đồng lên 1 tỉ đồng, diện tích canh tác tăng lên 360ha và lợi nhuận năm 2020 đạt gần 8 tỉ đồng, cổ tức tăng 60% so năm trước.

Ông Ngô Minh Long - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhận xét: “Cái hay của HTX là vào thời điểm giá lúa thấp, HTX đã giúp thành viên trữ lại lúa trong kho. Cách tổ chức lại sản xuất này đã cho thấy sự thay đổi tư duy, tầm nhìn xa trông rộng của ban quản lý HTX. Bằng cách làm này, HTX đã đẩy mạnh hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thêm thu nhập trên một diện tích canh tác.

Để tăng thêm hiệu quả kinh tế, nhất là kinh tế tập thể cho sản xuất nông nghiệp địa phương, năm nay, thực hiện theo Đề án Nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án), huyện đã lựa chọn cẩn trọng, có đánh giá và đề xuất tỉnh lựa chọn tham gia đề án. Trong đó, HTX Hiếu Lực, xã Trường Long A, đã được chọn để thực hiện. Ngoài ra, HTX Trường Long Tây, xã Trường Long Tây, mới thành lập cũng được huyện lựa chọn, đề xuất tham gia để nhận được hỗ trợ của đề án, phát triển sản xuất.

Tính đến nay, tất cả các HTX lúa trên địa bàn huyện Châu Thành A đã ký kết đồng ý tham gia Liên hiệp HTX lúa gạo theo chương trình của đề án. Từ đây, các HTX sẽ cùng nhau liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, nguồn giống, kinh nghiệm để tạo nên sức mạnh to lớn hơn về nguồn lực, diện tích cũng như sản lượng.

Từ đó tạo nên tiếng vang cũng như nguồn hàng hóa lớn, tự tin ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp lớn một cách lâu dài và bền vững. Đây cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, giúp các HTX ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Hậu Giang.