Hiệu quả liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ rau tại Hải Dương

Vũ Thị Hằng Nga, Trần Hữu Cường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu này phân tích hiệu quả liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ rau ở Hải Dương. Số liệu phục vụ nghiên cứu chủ yếu là số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương. Bên cạnh đó, thông tin thu thập từ 384 hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ rau với 5 nhóm rau chính tập trung tại 07 huyện đại diện cho các vùng sản xuất rau chuyên canh với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương; đồng thời, phỏng vấn các tác nhân (người thu mua rau, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương) có vai trò quan trọng trong hệ thống thị trường tiêu thụ rau nhằm đánh giá hiệu quả của liên kết này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, liên kết này đã tạo ra hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường đối với các hộ nông dân, từ đó, thúc đẩy các hộ nông dân tham gia vào thực hiện liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Hải Dương từ lâu đã nổi tiếng là “vựa rau” của miền Bắc và cả nước, trong đó rau màu là nhóm cây trồng chủ lực, thế mạnh nhất của Tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Diện tích gieo trồng rau màu đạt 41.171 ha năm 2021, tăng 1.771 ha so với năm 2015; sản lượng rau các loại trên 750.000 tấn/năm (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, 2022).

Bên cạnh đó, Hải Dương là một trong những tỉnh, làm điểm mô hình mới liên kết theo vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung và rau nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết đã bộc lộ những hạn chế như: mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp (DN) thiếu chặt chẽ, DN chậm thu mua, có biểu hiện ép giá mua thấp hơn giá thị trường; chưa có sự vào cuộc thực sự cũng như chưa nắm được các đầu mối DN liên kết của các tổ chức địa phương...

Điều này dẫn đến nông dân không hào hứng tham gia liên kết. Vì vậy, hoàn thiện và tăng cường thúc đẩy mô hình liên kết theo vùng sản xuất bền vững giữa hộ nông dân và DN, mà trọng tâm hướng tới là tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại rau cho nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương là cần thiết, từ đó đề xuất giải pháp trong tương lai.

Phương pháp nghiên cứu

Chọn điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại một số huyện của tỉnh Hải Dương đại diện cho các vùng sản xuất rau chuyên canh lớn và thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị sản xuất cao đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có một số vùng đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Các loại rau được chọn đặc trưng cho từng vùng sản xuất, theo mùa vụ và phản ảnh rõ nét thực trạng mối liên kết giữa hộ nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, các huyện: Nam Sách, Kinh Môn, Cẩm Giàng chuyên trồng hành, tỏi, cà rốt; Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang chuyên trồng su hào, bắp cải, súp lơ; huyện Kim Thành chuyên trồng củ đậu, rau màu khác.

Phương pháp thu thập thông tin, số liệu

Thông tin, số liệu thứ cấp

Tác giả đã tiến hành thu thập, nghiên cứu thông tin, số liệu thứ cấp qua sách, báo, tài liệu, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, các chính sách, văn bản pháp quy khác có liên quan đến liên kết, liên kết giữa hộ nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất nông sản; báo cáo của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Hải Dương về tình hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất nông sản của địa phương.

Thông tin, số liệu sơ cấp

Nhóm tác giả đã khảo sát 384 hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ rau (với 5 nhóm rau chủ lực) tập trung tại 7 huyện được lựa chọn; và phỏng vấn các tác nhân (người thu mua rau, DN, hợp tác xã, chính quyền địa phương) tại địa bàn. Căn cứ phương pháp chọn mẫu dựa theo quy mô mẫu của Arkin và Colton (1963), tổng số mẫu khảo sát được áp dụng theo công thức sau:

n = N * Z2 * P(1−P)/[N * D2 + Z2 * P(1−P)]

= 148,900*1.962*0.05*(1 – 0.05)/ [148,900 * 0.052 + 1.962 * 0.05*(1 – 0.05)] = 384

Trong đó: n là cỡ mẫu; N là tổng số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp (N = 148.900 hộ); Z là mức độ tin cậy (ở mức 25% Z = 1,96); P là dự báo số hộ ước tính (P = 0,5); và D là giới hạn sai số (D = 0,05).

Bảng câu hỏi được thiết kế bao gồm nhiều thành phần. Đầu tiên, những người được hỏi cung cấp thông tin về các đặc điểm nhân khẩu học và kinh tế xã hội của hộ nông dân. Thang đo Likert 5 mức độ về mức độ hài lòng với thu nhập, công việc, sự tôn trọng xã hội, loại rau trồng và thị trường tiêu thụ được sử dụng trong nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Hiệu quả kinh tế

Bảng 1: Lợi nhuận bình quân của các hộ nông dân và mức độ cải thiện thu nhập từ liên kết

Chỉ tiêu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Lợi nhuận bình quân (trđ/ha/vụ)

202,6

183,5

130,1

316,9

Mức độ cải thiện thu nhập từ liên kết (%)

78,09

28,335

12

100

Nguồn: Số liệu điều tra (2022)

Liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn nói chung và liên kết giữa hộ nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói riêng tạo ra nhiều hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân trồng rau, người tiêu dùng và cộng đồng địa phương (Malak-Rawlikowska và cộng sự, 2019).

Đối với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đặc biệt các hộ trồng rau, việc tham gia vào liên kết đã giúp ổn định giá cả đầu vào, đầu ra và doanh thu; tạo thu nhập bền vững; và tăng sự hài lòng và tự tin. Theo phản hồi của nông dân, trước khi tham gia liên kết, 86,7% trong số họ đã phải đối mặt với tình trạng giá cả biến động; 58,1% hộ nông dân gặp khó khăn do giảm giá đầu ra; 17,06% gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi tham gia liên kết, tình trạng này đã được cải thiện nhiều (với bình quân 78,09% số hộ cho biết thu nhập được cải thiện sau khi tham gia liên kết, tỷ lệ cải thiện thu nhập của các hộ thấp nhất là 12%) (Bảng 1).

Năm 2021, lợi nhuận trung bình của các hộ trồng rau là 202,6 triệu đồng/ha/vụ. Qua 2 năm đại dịch Covid-19, một số nhóm hộ nông dân với những loại rau đặc trưng như: hành, bắp cải, su hào, súp lơ, rau gia vị... bị lỗ hoặc giảm lợi nhuận nhiều do không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm. Một hộ nông dân xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn trưởng thành đã phải bán một phần cho các thương lái theo hình thức "bán vo" với mức 10 triệu đồng/sào. Nếu bán hành tươi thì khoảng 25 - 27 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần năm 2020. Đầu năm 2022, giá hành xuống tới mức chỉ còn 6.000 đồng/kg, khiến nông dân trồng hành thua lỗ.

Như vậy, nếu có liên kết thì việc ổn định đầu ra cũng như lợi nhuận cho hộ nông dân sẽ được đảm bảo. Bên cạnh đó, một số nhóm hộ đã đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, quản lý cách thức sản xuất tốt và đạt lợi nhuận cao, có hộ đạt lợi nhuận cao nhất khoảng hơn 300 triệu/ha/vụ. Cụ thể, nhiều người dân ở thị xã Kinh Môn còn đầu tư thiết bị, học hỏi kinh nghiệm để chế biến sản phẩm hành phi (ngoài việc bán sản phẩm thô) cung cấp nhu cho cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hay như với các hộ nông dân trồng su hào, bắp cải, súp lơ và một số rau màu khác ở các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây rau màu của huyện Gia Lộc không phải lo khâu tiêu thụ dù giá cả tăng lên hay giảm xuống, người trồng rau bán được giá cao hơn so với ở nơi sản xuất rau màu phân tán, manh mún.

Nhìn chung, những người nông dân được khảo sát cảm thấy hài lòng với thu nhập, công việc, sự tôn trọng xã hội và loại cây trồng của họ (Bảng 2). Yếu tố duy nhất mà họ thấy bình thường là “thị trường tiêu thụ” bởi có 131 người (khoảng 34,11%) phàn nàn về việc thị trường tiêu thụ bấp bênh, ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, người thu gom...

Hiệu quả xã hội

Ngoài đóng góp về kinh tế, liên kết hộ nông dân và DN còn tạo ra lợi ích xã hội cho các hộ nông dân. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, liên kết tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Kết quả khảo sát cho thấy, liên kết không chỉ tạo việc làm cho bản thân nông dân mà mỗi hộ nông dân trung bình tạo ra việc làm toàn thời gian cho 2,1 người, việc làm bán thời gian cho 5,4 người dân nông thôn. Thực tế trên địa bàn huyện Gia Lộc cũng chứng minh, ở vùng chuyên canh rau màu, hệ số sử dụng ruộng đất là 4 – 5 lần; ở vùng sản xuất tập trung, hệ số sử dụng ruộng đất là 3 – 4 lần (1 vụ lúa với 2 – 3 vụ rau) nên đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhất là đối tượng lao động trung tuổi trở lên, không có điều kiện làm việc ở các công ty, trung bình 1 lao động sản xuất 4 sào rau chuyên canh.

Thứ hai, liên kết có thể xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử về giới ở các vùng nông thôn của Việt Nam nói chung và ở Hải Dương nói riêng. Điều này vẫn tồn tại trong công việc nông nghiệp, vì phần lớn các hộ nông dân thường cho rằng nam giới mới đủ sức khỏe để làm công việc sản xuất nông nghiệp, ho thích thuê nam giới hơn là phụ nữ. Tuy nhiên, qua các hộ nông dân được khảo sát có khả năng thuê phụ nữ làm việc trong hoạt động sản xuất của họ, với hơn 68% việc làm được tạo ra cho phụ nữ.

Thứ ba, việc tham gia các hợp tác xã nông nghiệp thông qua hợp tác xã tạo điều kiện và gắn kết người dân trong thôn lại với nhau, tạo cơ hội cho nông dân hợp tác, khởi nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hoặc các tổ chức. Cụ thể, với các hộ nông dân trồng su hào, bắp cải, súp lơ và một số rau màu khác huyện Gia Lộc thông qua các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức và điều hành khâu dịch vụ thủy nông thuận lợi, tiết kiệm được chi phí, một số hợp tác xã liên kết được với các công ty cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm như: Hợp tác xã rau màu Tân Minh Đức xã Phạm Trấn, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đoàn Thượng, Đồng Quang, Quang Minh, Gia Khánh, Hưng Việt hàng năm cung ứng cho nông dân hằng trăm tấn phân bón trả chậm, các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống rau, dưa các loại...; đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của địa phương... Kết quả khảo sát cho thấy, có 128 trong số 384 hộ nông dân được khảo sát (33,33%) đã tham gia hợp tác xã hoặc hiệp hội. Trong số những nông dân đó, 16 người đã thành lập hợp tác xã; 166 người được hỗ trợ từ chính quyền trung ương và/hoặc địa phương, 11 người tham gia và được hỗ trợ từ các hợp tác xã và 105 người được hưởng các lợi ích khác như đào tạo, huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm.

Cuối cùng, việc tham gia liên kết còn góp phần nâng cao năng lực hoặc quyền lực của nông dân khi đàm phán với các trung gian phân phối (28,91% ý kiến), đồng thời mở rộng thị trường đầu ra (27,34% ý kiến).

Hiệu quả môi trường

Liên kết không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội mà còn tạo ra lợi ích môi trường cho các hộ nông dân tham gia liên kết. Nó góp phần nâng cao hiệu quả và tư duy sản xuất rau hướng tới an toàn và sạch cho người nông dân. Để tham gia liên kết với các DN, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như: Vietgap, Globalgap, OCOP, truy xuất nguồn gốc... bao gồm các quy định về sử dụng an toàn hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, vật tư vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Chẳng hạn như huyện Gia Lộc đã có 88 vùng tổ chức sản xuất theo hướng an toàn với tổng diện tích 1.298 ha. Trong đó, có 295 ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có 4 vùng sản xuất theo quy trình VIETGAP với tổng diện tích 47,7 ha tại các xã Đoàn Thượng, Gia Tân, Phạm Trấn Hoàng Diệu. Năm 2019 đã có 24.000 m2 nhà màng và 1.880 m2 nhà lưới đã được xây dựng, đưa tổng diện tích toàn huyện lên 71.450 m2 nhà màng, 11.880 m2 nhà lưới. Đối với vùng trồng cà rốt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, để có thể liên kết với các công ty tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt sang thị trường nước ngoài, các hộ nông dân buộc phải sản xuất cà rốt đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, trên địa bàn Huyện có 120 ha trồng theo tiêu chuẩn này nhằm phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Hình 1 cho thấy, các hộ tuân theo các quy trình canh tác tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất và tiêu thụ rau và các hộ không sử dụng chất bảo quản trong quá trình bảo quản nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất. Việc liên kết này đã cung cấp các sản phẩm rau an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn, bản thân người nông dân được hưởng lợi từ việc giảm tiếp xúc với hóa chất nên sức khỏe của họ được an toàn, môi trường sống bao gồm môi trường không khí, đất và nước trong lành hơn. Xã hội cũng thu được lợi ích thông qua việc đảm bảo đa dạng sinh học, giảm thiểu sự phá hủy môi trường sống, giảm ô nhiễm đất và nước do sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón.

Một số hộ nông dân trồng bắp cải, súp lơ cho biết, để tham gia liên kết này, các thành viên phải hiểu và thực hành đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo sử dụng đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phù hợp. Trước đây, các hộ nông dân chưa hiểu biết, sử dụng hóa chất không phù hợp hoặc quá liều lượng nên nhiều loài đã biến mất như đỉa, côn trùng..., sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng, nhiều người mắc các bệnh ngoài da hoặc các bệnh về hô hấp.

Việc tham gia liên kết để bán rau tại ruộng hoặc thị trường địa phương đã góp phần giảm chi phí vận chuyển và lượng khí thải carbon bằng cách giảm tần suất sử dụng các loại phương tiện trong quá trình vận chuyển. Do phương tiện vận chuyển rau chủ yếu từ phía tư thương thu gom, DN chế biến là các phương tiện lớn như: xe tải, xe ben... tuy sử dụng nhiều xăng hơn nhưng công suất vận chuyển mỗi lần lớn nên tần suất sử dụng ít hơn. Hơn nữa, nhiều DN chế biến, người thu gom tận dụng các chuyến xe vận chuyển các loại sản phẩm khác kết hợp thu gom rau. Qua khảo sát, sản lượng được vận chuyển đi trong 3-4 lần chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 65%), chỉ có khoảng 23,47% sản lượng được chuyển hết trên 4 lần.

Với lượng rau được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, hoặc chợ địa phương, các hộ chủ yếu vận chuyển bằng các phương tiện sử dụng ít xăng dầu hơn xe tải, hoặc các phương tiện vận chuyển không sử dụng xăng dầu như đi bộ, xe đạp. Như vậy, góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường.

Tóm lại, tại Hải Dương, liên kết giữa hộ nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ rau mang lại nhiều hiệu quả như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường, đặc biệt đối với các hộ nông dân – bộ phận yếu thế trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm rau được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước… đem lại giá trị kinh tế ca góp phần vào xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp bền vững, của sự liên kết chuỗi sản xuất đến tiêu dùng.

Bảng 2: Mức độ hài lòng của hộ nông dân với thu nhập, công việc, sự tôn trọng xã hội và loại rau trồng

Yếu tố

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Mức độ hài lòng

Thu nhập

3,45

1,21

Hài lòng

Công việc

3,88

0,72

Hài lòng

Sự tôn trọng xã hội

3,52

0,55

Hài lòng

Loại rau trồng

4,01

0,27

Hài lòng

Thị trường tiêu thụ

2,62

1,68

Bình thường

Nguồn: Số liệu điều tra (2022)

Tài liệu tham khảo:

  1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương (2022), Báo cáo thực trạng sản xuất cây trồng chủ lực và định hướng phát triển;
  2. Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc (2019), Hiệu quả từ việc Quy hoạch vùng sản xuất rau màu tập trung ở huyện Gia Lộc, https://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=3050;
  3. Nguyễn Thị Liên (2019), Phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở tỉnh Hải Dương, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-chuyen-canh-tap-trung-o-tinh-hai-duong-306133.html;
  4. Malak-Rawlikowska, A.; Majewski, E.; Wąs, A.; Borgen, S.O.; Csillag, P.; Donati, M.; Freeman, R.; Hoàng, V.; Lecoeur, J.-L.; Mancini, M.C.; et al (2019). Measuring the economic, environmental, and social sustainability of short food supply chains, Sustainability 2019, 11, 4004.