Hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Lê Hà

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị khi làm thủ tục hành chính với cơ quan BHXH.

Áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính

Theo BHXH Việt Nam, để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành các kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát TTHC năm 2021; đồng thời, ban hành văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Theo đó, BHXH Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam.

Để tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã công bố công khai nhiều TTHC.
Để tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã công bố công khai nhiều TTHC.

Xây dựng danh mục dịch vụ công (DVC) trực tuyến đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam kèm theo 63 DVC. Trong đó, có 19 DVC áp dụng riêng đối với tổ chức, 31 DVC áp dụng riêng đối với cá nhân và 13 DVC áp dụng chung cho cả tổ chức và cá nhân. Công bố danh mục các TTHC thực hiện và không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam ban hành nhiều công văn, chỉ thị chấn chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC; thành lập và kiện toàn các Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, trong đó Trưởng ban là Lãnh đạo Ngành và thành viên là Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, qua đó việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được kịp thời, xuyên suốt, thống nhất.

Để tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã công bố công khai nhiều TTHC, danh mục TTHC trong năm 2021. Các TTHC được thường xuyên rà soát, đăng tải, cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH địa phương); được niêm yết tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH địa phương, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh/bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC cấp huyện theo đúng quy định.

Bên cạnh 25 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, BHXH Việt Nam còn hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết công khai 3 TTHC mới ban hành theo Quyết định số 1220/QĐ-LĐTBXH ngày 26/10/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc công bố TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc hạn chế đi lại theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện ở hầu hết các tỉnh phía Nam để phòng chống bệnh dịch COVID-19 từ đầu tháng 5 đến hết quý III, nên số hồ sơ được kê khai và gửi qua Cổng DVC Quốc gia tăng đột biến.

Mặt khác, modul lập vào gửi hồ sơ tại Cổng DVC Quốc gia được thiết kế kèm với nút tiện ích “Gửi phản ánh, kiến nghị” dẫn đến việc người lao động, chủ sử dụng lao động tận dụng chức năng này để gửi phản ánh, kiến nghị bổ sung các nội dung đề nghị liên quan phát sinh nhiều, thậm chí nhiều nội dung không thuộc thẩm quyền xử lý của BHXH Việt Nam như đề nghị hỗ trợ cho vay tài chính, hỗ trợ lương thực…

BHXH Việt Nam đã cử cán bộ trực tiếp nhận và đôn đốc việc xử lý phản ánh, kiến nghị liên tục trong và ngoài giờ làm việc tất cả các ngày trong tuần, bảo đảm tất cả các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền được tiếp nhận kịp thời và rút ngắn tối đa về thời hạn giải quyết; các phản ánh không thuộc thẩm quyền được kịp thời chuyển cho cơ quan liên quan có thẩm quyền; các phản ánh không đủ điều kiện để tiếp nhận xử lý được từ chối xử lý (có nêu rõ lý do) hoặc chuyển trả để bổ sung thông tin trước khi tiếp nhận giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2021, cơ quan này đã giải quyết 121.373.932 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,9% so với tổng số hồ sơ phải giải quyết. Trong đó, số hồ sơ quá hạn chiếm 4,8% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận phải giải quyết; số hồ sơ đang giải quyết chỉ chiếm 2,1% so với tổng số hồ sơ phải giải quyết.

Cùng với đó, thực hiện các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo 3 hình thức: Trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công/bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; thông qua dịch vụ bưu chính công ích; trực tuyến tại Cổng DVC ngành BHXH hoặc thông qua tổ chức I-VAN).

Để đảm bảo đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam đã tăng cường truyền thông sử dụng hình thức tiếp nhận qua giao dịch điện tử, qua dịch vụ bưu chính và tạm dừng tiếp nhận TTHC trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH trong một số thời điểm theo yêu cầu của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh/bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện trong các thời điểm giãn cách tại các địa phương theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố.

Tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp

Với mục tiêu phục vụ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ngành BHXH Việt Nam đã thường xuyên rà soát cắt giảm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% TTHC của Ngành đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp thêm 8 DVC trên Cổng DVC của Ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 7 dịch vụ công trên Cổng DVC Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách này.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai cung cấp các DVC trực tuyến của Ngành đối với cá nhân trên Cổng DVC quốc gia và trên Cổng DVC ngành BHXH theo Quyết định số 896/QĐ-BHXH với tổng số 63 DVC. Ngoài ra, để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã triển khai 7 DVC kết nối qua Cổng DVC Quốc gia.

Chuyển đổi số tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan BHXH.
Chuyển đổi số tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan BHXH.

Để bảo đảm các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng việc tổ chức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên của Trung tâm Điều hành hệ thống thông tin ngành BHXH; Trung tâm Dữ liệu Ngành; Trung tâm Dữ liệu dự phòng và phục hồi thảm họa; Hạ tầng mạng WAN của Ngành; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống cấp, quản lý chữ ký số của Ngành.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tăng cường quản lý Hạ tầng truyền thông thống nhất ngành BHXH: Quản lý dịch vụ 1.620 kênh truyền WAN, trong đó 6 kênh truyền tại Trung tâm Dữ liệu Ngành, Trung tâm Dữ liệu dự phòng, 10 kênh truyền tại các trụ sở BHXH Việt Nam; 252 kênh truyền tại 63 BHXH tỉnh, thành phố (bao gồm kênh truyền liên tỉnh và kênh gom nội tỉnh); 1.342 kênh truyền tại BHXH cấp huyện (38 huyện thu hồi); 2 kênh truyền tại BHXH Bộ Quốc phòng, 2 kênh truyền tại BHXH Công an nhân dân; 6 kênh truyền internet leased line tại Trung tâm Dữ liệu Ngành, Trung tâm Dữ liệu dự phòng và phục hồi thảm họa. Thực hiện việc quản lý, cấp phát, thu hồi chữ ký số chuyên dùng trong toàn Ngành.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình mới

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, toàn Ngành đã có những bước đột phá trong các mặt hoạt động, nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, DVC trực tuyến, được xếp thứ 2 trong Bảng xếp hạng khối bộ, ngành và xếp thứ nhất Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Đến nay, toàn Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu dân, tương ứng gần 27 triệu hộ gia đình; hoàn thiện và triển khai thành công ứng dụng VssID; triển khai xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số; từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0” để phục vụ người dân, DN với 4 dịch vụ cơ bản (dịch vụ tin nhắn SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo); đồng thời phân tích, khai thác Bigdata…

Cũng theo người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực, quyết liệt đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành, với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể.

Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới (định danh trực tuyến- eKYC; liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán, chi trả chế độ…) với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.