Hiệu ứng tích cực từ Chương trình doanh nghiệp ưu tiên

PV.

(Tài chính) Tại Việt Nam, Chương trình doanh nghiệp (DN) ưu tiên bắt đầu được tiến hành thí điểm từ năm 2011 và hiện nay đang được thực hiện chính thức theo Thông tư 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 của Bộ Tài chính. Không thể phủ nhận rằng, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, Chương trình DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan đang tạo được sức hút lớn với cộng đồng DN thông qua số lượng hồ sơ đăng kí tham gia và số DN được Tổng cục Hải quan công nhận trong thời gian gần đây.

Chương trình DN ưu tiên đã tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của DN qua việc cắt giảm đáng kể thời gian, chi phí, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Nguồn: internet
Chương trình DN ưu tiên đã tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của DN qua việc cắt giảm đáng kể thời gian, chi phí, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay trên thế giới có hơn 50 quốc gia thực hiện Chương trình DN ưu tiên. Dù mỗi nước có thực hiện theo từng cấp độ khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng chung là Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) xây dựng. Hiện nay, cơ quan Hải quan của 27 quốc gia đã thực hiện kí kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc thực hiện Chương trình DN ưu tiên mới bắt đầu thí điểm từ năm 2011. Chính sách này đã tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị qua việc cắt giảm đáng kể thời gian, chi phí, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Hiện nay, việc thực hiện chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan được áp dụng theo Thông tư số 86/2013/TT-BTC. Theo đó, những DN đáp ứng đủ 7 điều kiện về: tuân thủ pháp luật; thanh toán, kế toán tài chính; kim ngạch xuất nhập khẩu; thủ tục hải quan điện tử; thuế điện tử, độ tin cậy; tự nguyện đề nghị được là DN ưu tiên thì được công nhận là DN ưu tiên.

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm 2014 đến nay Tổng cục Hải quan đã công nhận chế độ ưu tiên cho 11 DN, gần bằng tổng số DN được công nhận trong cả 3 năm (2011-2014). Như vậy, tính đến nay, cả nước có 24 DN đang được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan. Trong đó, có 14 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 9 DN trong nước. Theo Tổng cục Hải quan, 24 DN đang được công nhận DN ưu tiên có tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 23% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tổng số hơn 50.000 DN xuất nhập khẩu trên cả nước. Đặc biệt, đây đều là những DN lớn có sự tuân thủ pháp luật tốt, có quy trình kiểm soát nội bộ hiện đại, nhất là quản lí quy trình sản xuất và quản lí sản phẩm…

Mới đây nhất, ngày 09/9/2014, Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức Lễ công bố công nhận doanh nghiệp ưu tiên mới cho 08 DN, bao gồm: Công ty TNHH điện tử Samsung Vina; Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang; Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng; Công ty TNHH điện tử UMC Việt Nam;Tập đoàn Hoa Sen; Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam; Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta. Hiện nay, một số DN cũng đã có đơn đề nghị được công nhận, điều này cho thấy sức hút của Chương trình DN ưu tiên với cộng đồng DN ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các DN ưu tiên đánh giá cao hiệu quả Chương trình DN ưu tiên và bày tỏ quyết tâm thực hiện một cách nghiêm túc theo các điều kiện đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan quy định. Điều này cũng cho thấy bước phát triển, quá trình tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật Hải quan nói riêng của cộng đồng DN.

Trong thời gian qua, ngành Hải quan cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho cộng đồng DN, nhờ đó nhận thức của DN ngày càng được nâng lên. Nhiều DN cũng đánh giá cao về sự thuận tiện trong việc nộp hồ sơ và sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Hải quan. Nhiều DN cũng cho biết, do nhận thấy được ý nghĩa và lợi ích trực tiếp của Chương trình mang lại cho cho những DN đang được hưởng chế độ DN ưu tiên, nên họ ngày càng quan tâm tới Chương trình. Trường hợp Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam-SEV (Bắc Ninh) - một trong những DN được công nhận đầu tiên là một minh chứng. Ngay khi Chương trình được thực hiện thí điểm năm 2011, Công ty này đã tích cực tìm hiểu, chứng minh DN đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ngay sau đó, những DN có tư cách pháp nhân độc lập của Samsung đang hoạt động ở Việt Nam cũng đã quyết định gửi hồ sơ đến cơ quan Hải quan đăng kí tham gia. Mới đây, Tập đoàn Samsung và UBND tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng chế độ DN ưu tiên đối với 2 DN khác của Tập đoàn Samsung ở Thái Nguyên là Công ty TNHH Samsung Electro- Mechanics Việt Nam (SEMV) và Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hansol). Theo Tổng cục Hải quan, với sự hưởng ứng ngày càng nhiều của cộng đồng DN, mục tiêu nâng số DN được công nhận là DN ưu tiên lên con số từ 25 đến 30 DN vào cuối năm 2014 là hoàn toàn trong tầm tay.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, không chỉ là các đơn vị trực tiếp sản xuất mà còn có các DN tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế như DN kinh doanh cảng, DN logistics… Đồng thời, trong thời gian tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và ký kết chương trình hỗ trợ lẫn nhau với các nước khác để DN ưu tiên của Việt Nam cũng được hưởng lợi ích như DN ưu tiên tại những nước có ký kết.

Việc công nhận các DN ưu tiên có ý nghĩa quan trọng khi Tổng cục Hải quan đang thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2014, Hải quan Việt Nam giảm 50% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ngang bằng với các nước ASEAN 6. Trên thực tế, với những ưu đãi từ chương trình DN ưu tiên như giúp DN tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro, biến động trong sản xuất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh lâu dài, tạo điều kiện hoạt động sản xuất của DN được thuận lợi và nhanh chóng hơn.