Hình sự hóa hành vi rửa tiền: Biện pháp quan trọng phòng, chống tội phạm rửa tiền
Tội phạm rửa tiền là vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để phòng chống loại tội phạm này, hình sự hóa hành vi rửa tiền là biện pháp bắt buộc và cần được hoàn thiện liên tục để phù hợp với thực tế từng giai đoạn phát triển.
Việt Nam hiện nay đã tham gia Công ước của liên hợp quốc về phòng chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần (1988), Công ước của Liên hợp quốc về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999), cũng như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000), theo yêu cầu của các Công ước này các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân.
Hiện nay, Việt Nam đã hình sự hóa tội rửa tiền tại Khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội rửa tiền.
Theo đó, đối tượng vi phạm một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Đối tượng bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm. Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm với đối tượng vi phạm một trong số các hành vi: Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 cũng quy định, người chuẩn bị phạm tội rửa tiền bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền bị phạt từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền đã được quy định cụ thể tại Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.
Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.
Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Việc hình sự hóa hành vi rửa tiền và quy định cụ thể các mức phạt tiền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các quy định về biện pháp tịch thu tiền và tài sản do phạm tội mà có.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan như: Luật Quản lí thuế, Luật Thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch… nhằm kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất hợp pháp nhưng không được kiểm soát và không chịu trách nhiệm trước pháp luật…