Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hội nhập?
(Taichinh) - Mặc dù thời điểm hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đang đến rất gần, nhưng theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến trên 60% doanh nghiệp chưa nắm được nội dung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các FTA sắp được ký kết và sẽ có hiệu lực. Vì thế, có ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ doanh nghiệp để có thể chủ động hơn trong việc tiếp cận những cơ hội, khắc phục các thách thức của quá trình hội nhập.
Việc hội nhập vào kinh tế thế giới của nước ta không phải bây giờ mới bắt đầu, mà đã được thực hiện từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng sau gần 10 năm hội nhập kinh tế thế giới, thì đến nay doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho quá trình này, trong khi đây lại là đội quân chủ công. Số doanh nghiệp có nỗ lực đổi mới, chủ động đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ là số rất ít. Nhiều doanh nghiệp vẫn bị mắc kẹt trong thị trường bất động sản, không ít đơn vị tìm kiếm chênh lệch giá qua chênh lệch địa tô, khai thác tài nguyên. Một số doanh nghiệp thành đạt một thời, đã gây dựng được thương hiệu, mới đây đã nhượng lại quyền kinh doanh, bán cổ phần, nhượng lại thương hiệu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì có đến trên 60% doanh nghiệp chưa nắm được nội dung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cũng như các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết hay sẽ có hiệu lực. Nhiều hiệp hội đang khá lúng túng trong công tác chuẩn bị cho hội nhập. Nói cách khác, doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt tâm thế cho công cuộc hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước ta. Trong khi đó, thách thức sẽ ập đến ngay khi những hiệp định thương mại tự do mà nước ta tham gia có hiệu lực, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài đã thể hiện rõ sự chuẩn bị chu đáo của mình để có thể tràn vào thị trường nước ta, tận dụng những cơ hội mà các hiệp định này mang lại.
Doanh nghiệp mới hiểu sơ khai, thậm chí chưa có ý thức tìm hiểu thông tin về hội nhập, nên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm đặt ra vấn đề: Nhà nước có nên can thiệp không hay để doanh nghiệp tự khắc phục thách thức của quá trình hội nhập như kinh nghiệm ở một số nước? Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, các quốc gia để doanh nghiệp tự trải nghiệm quá trình hội nhập đều có dân trí, quy định pháp luật khác với nước ta, mà thời điểm nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới lại đang đến rất gần. Do đó, các cơ quan chức năng cần xác định những hiệp định thương mại tự do có quy định nào thuận lợi cần làm ngay và quy định nào gây khó cần tránh không làm, để giúp doanh nghiệp tránh bị sốc khi bước vào quá trình hội nhập sâu.
Thời điểm nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đang đến gần, nên không thể để lực lượng chủ công của quá trình này còn chưa nắm rõ thông tin. Nhưng trên thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp Việt đã thâm nhập vào thị trường khu vực Đông Nam Á. Ví dụ như Công ty CP Giấy Sài Gòn đang xuất khẩu giấy tiêu dùng (tissue) sang các thị trường Campuchia, Malaysia và Philippines, với doanh số 4 tháng đầu năm 2015 tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay như Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ đã chủ động tiếp cận được nhiều nhà máy xay xát ở Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào... nên nắm rõ tìm hiểu nhu cầu, kịp thời cải tiến máy nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu sử dụng của những thị trường này. Nhờ bảo đảm chất lượng máy nông nghiệp nên dù không thực hiện quảng bá song các đơn hàng vẫn đến liên tục với Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ.
Ngoài ra, nhiều hương hiệu Việt cũng đã dần quen thuộc với người tiêu dùng các nước xung quanh như cân Nhơn Hòa, bút bi Thiên Long, nước ngọt Bidrico hay tương ớt Cholimex... Và theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta (sau Hoa Kỳ và EU), với giá trị xuất khẩu sang có tốc độ tăng trưởng cao. Thực tế này cho thấy, để hội nhập thành công, thì yếu tố then chốt vẫn là doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đến những cơ hội và thách thức hội nhập sâu trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần chủ động tiến hành nâng cao năng lực quản trị, hiểu biết thị trường, cũng như trình độ khoa học - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Các bộ, ngành, hiệp hội chỉ nên dừng ở việc xây dựng cẩm nang tuyên truyền; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận Cộng đồng Kinh tế ASEAN, về các quốc gia, khu vực mà nước ta đã và sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do...
Nhà nước không cần phải cầm tay, chỉ việc cho doanh nghiệp, vấn đề cần làm ngay là tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tư nhân có sự cạnh tranh lành mạnh, phát huy được lợi thế linh hoạt của mình, để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường mở cửa, hội nhập đang ngày một sâu rộng.