Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao năng suất, chất lượng
Nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Vĩnh Phúc đã hỗ trợ gần 80 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ gần 50 mô hình giúp người dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã tư vấn và hoàn thiện thiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với 3 nhãn hiệu tập thể mang địa danh cho thanh long ruột đỏ Lập Thạch; nước uống tinh khiết và quả phật thủ Tây Thiên…
Điển hình, Tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ công nghệ trong quá trình sản xuất như: Công ty TNHH Ong Tam Đảo với dự án phát triển nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng hàng hóa; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bền vững Hải Yến với mô hình nuôi cá tầm tại huyện Tam Đảo; Công ty TNHH Ngọc Thạch với dự án nâng cao chất lượng đàn bò thịt và chế biến thức ăn khô cho bò tại huyện Sông Lô... Qua đó, giúp các doanh nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Vĩnh Phúc đã phê duyệt hai chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đó là: Xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chuối tiêu hồng tại huyện Yên Lạc giai đoạn 2017-2020 và Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020 được các địa phương, đơn vị liên quan tích cực triển khai.
Nhờ đó, năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ trong các ngành và sản phẩm chủ lực của Tỉnh như: nông sản, ô tô, xe máy, điện, điện tử, vật liệu xây dựng... ngày càng tăng cao. Hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng được nâng lên, mang lại hiệu quả tích cực.
Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho gần 40 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ, tạo cơ chế, môi trường thuận lợi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn Tỉnh.