Hỗ trợ thiết thực trong điều kiện nguồn lực hạn chế
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong điều kiện nguồn lực có hạn, các chính sách hỗ trợ phải hết sức khôn khéo để đạt các mục tiêu: Khống chế dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế và vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ để ứng phó với đại dịch Covid-19?
TS. Võ Trí Thành: Có thể nói Chính phủ và các bộ ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong việc hỗ trợ người dân, DN vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19. Ngay từ tháng 2, Chính phủ đã sớm dự báo các tác động kinh tế - xã hội của dịch với các kịch bản khác nhau, từ đó sớm chuẩn bị các giải pháp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đơn cử như Chỉ thị 11 và các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh...
Tư tưởng chính sách của Chính phủ được đưa ra theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất là ưu tiên chống dịch và giảm thiểu tác động kinh tế của dịch. Thứ hai là, do diễn biến dịch bệnh nhanh, khó lường nên phải bám sát tình hình để kịp thời có các kịch bản và chính sách thích ứng. Thứ ba là trong điều kiện nguồn lực có hạn thì chọn cách làm để đạt các mục tiêu khống chế dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế kịp thời, thiết thực và vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô.
Quan điểm hiện nay là hỗ trợ để DN cầm cự, duy trì và tạo tiền đề để có thể bứt dần lên khi dịch được khống chế. Có thể thấy chính sách của Chính phủ đã tính dài cho cả quá trình đó. Nhiều giải pháp của Chính phủ là chưa từng có trong tiền lệ (như gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ những người gặp khó khăn; gói giãn nộp thuế và tiền thuê đất bao phủ tới 98% số DN).
Tuy nhiên việc cầm cự, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực bản thân DN cũng như việc nới lỏng/tháo dỡ “giãn cách xã hội”. Đặc biệt việc đẩy mạnh đầu tư công năm 2020 so với các năm trước cũng là một “đầu kéo” cho tăng trưởng và sự tham gia của nhiều DN, kể cả các DNNVV.
Vậy gói hỗ trợ tiền tệ hiện nay thế nào, thưa ông?
Về các giải pháp tiền tệ, cần lưu ý gói này gồm 2 nhóm chính sách. Nhóm thứ nhất là điều hành của NHNN. Theo đó cùng với việc đảm bảo ổn định vĩ mô, NHNN đã tiếp tục hạ nhiều lãi suất điều hành để dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đối với cả nền kinh tế. NHNN cũng chỉ đạo NHTM giãn, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất đối với các khoản đã vay. Giải pháp này cực kỳ có ý nghĩa đối với DN. Hiện có đến 2 triệu tỷ đồng tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nên việc được gia hạn nợ sẽ giúp cho DN giảm bớt gánh nặng nợ nần trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi dòng tiền sụt giảm.
Nhóm thứ hai là gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng do các NHTM thực hiện với lãi suất ưu đãi cùng với việc giảm nhiều loại phí dịch vụ. Giải pháp này không chỉ giúp DN vượt qua những khó khăn hiện nay mà còn hỗ trợ cho DN tận dụng những cơ hội để bứt phá, đặc biệt khi dịch bệnh qua đi.
Có thể thấy các chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, cho vay mới hỗ trợ DN, nhất là giai đoạn “chuyển tiếp” và hậu dịch là một yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Không chỉ vậy, ngành Ngân hàng cũng tích cực tham gia vào các gói an sinh xã hội của Chính phủ. Chẳng hạn ngay trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng với diện bao phủ khoảng 20 triệu người, người sử dụng lao động cũng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội không cần thế chấp, lãi suất bằng 0% để chi trả cho người lao động ngừng việc, theo Nghị quyết 42.
Hay như tại Nghị quyết 41, Chính phủ đã yêu cầu cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất 3% - 4% cho 4 NHTM do NHNN Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội…
Nhiều ý kiến cho rằng các gói hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy theo ông những chính sách của Việt Nam đã đủ để vực dậy sản xuất kinh doanh?
Như tôi đã nói, Việt Nam cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ; trong đó tính tới cả việc khống chế dịch và “sự sống còn” của DN. Đây chính là những điều kiện quan trọng để sản xuất kinh doanh có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi.
Không phủ nhận là hiện nhiều nước đã đưa ra các gói cứu trợ, gói kích thích khổng lồ, nhưng dư địa chính sách còn ít. Đặc biệt rủi ro tài chính của những quốc gia này cũng rất lớn khi mà nợ công tăng vọt cao, dư địa chính sách tiền tệ gần như đã hết. Lưu ý là “quả bom” nợ nần thế giới đã lớn chưa từng có ngay vào năm 2019. Trong khi với Việt Nam, cả dư địa chính sách và nguồn lực ít nhiều vẫn còn.
Chúng ta vẫn ít nhiều có nguồn lực và dư địa chính sách để ứng phó theo cả kịch bản nếu dịch xấu hơn và kịch bản phát triển kinh tế thời kỳ “chuyển tiếp” khi dịch dần được khống chế và hậu dịch.
Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Đơn cử như gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng cơ bản là sử dụng nguồn tăng thu của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương năm 2019, nguồn dự trữ ngân sách và khoản tiết kiệm chi thường xuyên năm nay. Hay về thuế và tiền thuê đất mới là chính sách hoãn, gia hạn nộp. Gói hỗ trợ tín dụng chủ yếu sử dụng nguồn lực của các ngân hàng... Trong khi vẫn còn có gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2020 và cả vốn đầu tư công năm 2019 chưa tiêu hết, chỉ cần đẩy nhanh giải ngân một cách hiệu quả nguồn vốn này.
Mặc dù chúng ta có thể phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, nới trần nợ công một chút. Nhưng dù thế nào, vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô cùng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Cách thức hỗ trợ, nhất là trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại này, phải song hành với cải cách thể chế, cải cách cơ cấu cùng những xu thế phát triển mới.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!