Hóa giải nỗi lo tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ

Hương Dịu

Doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh nỗ lực khai thác các thị trường thay thế, tận dụng mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác tại EU, châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Con đường phía trước cần tới cách tiếp cận chiến lược đa chiều. Ảnh: ST
Con đường phía trước cần tới cách tiếp cận chiến lược đa chiều. Ảnh: ST

Giảm sức cạnh tranh, doanh nghiệp không muốn đi vay

Theo đánh giá của các chuyên gia, thuế quan mới của Mỹ đặt ra nhiều thách thức kinh tế, trong đó mang lại nhiều tác động đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 5/4/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ và các cơ quan liên quan kêu gọi Chính quyền Tổng thống Trump tạm hoãn việc áp thuế đối ứng nhằm tránh gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng xấu tới giao dịch thương mại trước đó và làm xáo trộn chuỗi logistics.

VCCI và AmCham tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện các giải pháp tích cực thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện cán cân thương mại song phương, đồng thời tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đang gặp phải.

Trong chính sách tiền tệ, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn thì tăng trưởng tín dụng cũng đối diện nhiều lắng lo. 

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 25/3/2025, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%.

Còn theo phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 6/4/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần của tháng 3, tín dụng đã tăng 1,44%. Nên theo Thống đốc, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, việc áp thuế nếu có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực xuất nhập khẩu – một trong những lĩnh vực ưu tiên và cũng là lĩnh vực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ, Công ty đang chịu thuế suất 16%, nhưng tổng mức thuế có thể lên tới 62% khi cộng thuế đối ứng. Mỹ hiện là thị trường mua tới 40% sản lượng của Việt Thắng Jean, nên việc áp thuế sẽ khiến doanh nghiệp mất hoặc giảm thị phần vì giảm sức cạnh tranh, kéo theo nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không còn.

Ứng phó từ cách tiếp cận đa chiều

Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyến nghị, Việt Nam cần linh hoạt, chủ động để ứng phó với mọi tình huống, cũng như tìm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp, kéo tăng trưởng tín dụng đạt cả về chất và lượng như mục tiêu đề ra.

 

Theo TS. Santiago Velasquez - Phó Chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học RMIT Việt Nam, phương pháp tính toán mức thuế cho từng nền kinh tế cũng thu hút sự chú ý vì tính chất phi truyền thống, khi chỉ dựa vào thâm hụt thương mại song phương mà không xác định rõ mức thuế quan hoặc rào cản phi thuế quan thực tế mà các nước đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ.

TS. Đặng Thảo Quyên - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, con đường phía trước cần tới cách tiếp cận chiến lược đa chiều.

Đó là đối thoại bền bỉ và khéo léo; đa dạng hóa nhanh chóng các thị trường xuất khẩu; tiếp tục củng cố nền kinh tế nội địa thông qua các cải cách trong nước và phát huy khả năng phục hồi mang ý nghĩa chiến lược mà Việt Nam đã thể hiện trong những giai đoạn khó khăn trước đây.

Trong khi đó, về tín dụng, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nội địa, giúp định hướng tăng trưởng tín dụng hơn 16% trong năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được.

Ông Phạm Lưu Hưng lấy ví dụ, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Nhưng hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 2/2025, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank chia sẻ, ngân hàng tham gia vào dự án BOT là một lĩnh vực khá khó, bởi việc cho vay trong thời hạn khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền.

Nhưng đến thời điểm đó, TPBank đã cho vay cho các dự án BOT là 7.897 tỷ đồng. Vì vậy, Chủ tịch TPBank đề xuất NHNN xem xét đối với ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì có thể cho phép được sử dụng vốn, không tính vào room tín dụng để các ngân hàng yên tâm đưa dòng vốn vào các dự án trọng điểm.

Đặc biệt, thời gian gần đây, NHNN đã điều hành cơ chế tín dụng "thoáng" hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế. NHNN cũng đang triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.