Hóa giải ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Thực tế những năm qua cho thấy, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam bắt nguồn chủ yếu từ chất thải rắn sinh hoạt. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng dân số kéo theo lượng chất thải rắn sinh hoạt gia tăng cả về khối lượng và chủng loại… Để chung tay kiến tạo môi trường xanh cần có những giải pháp đồng bộ để biến rác thải thành tài nguyên, từ đó bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.
Gia tăng chất thải rắn sinh hoạt gây áp lực lớn đến môi trường
Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn. Trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản... đều là tài nguyên.
Trên thực tế, mặc dù nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn.
Chia sẻ về về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại Việt Nam có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.
Đáng chú ý, phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nghiêm trọng hơn, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh.
Trong nhiều năm qua, các thành phố lớn đã rất quan tâm đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu áp dụng công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt.
Trên thực tế, tuy một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp. Bên cạnh việc rác thải không được tổ chức phân loại từ đầu nguồn gây khó khăn, thì việc thiếu nhà máy xử lý hiện đại, công nghệ cao, năng suất cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý rác theo cách chôn lấp phổ biến hiện nay. Cả nước hiện có 381 lò đốt rác, 37 dây chuyền chế biến compost (phân trộn).
Ngoài ra, tại một số thành phố lớn đã áp dụng phương pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Tuy nhiên, đến nay, chưa một công nghệ nào được công nhận đạt hiệu quả thực sự, thậm chí còn làm phát sinh thêm ô nhiễm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất thải rắn sinh hoạt trong những năm qua gia tăng nhanh là do nhận thức và ý thức của người dân chưa cao. Mặc dù người dân ngày càng nhận thức rõ về ô nhiễm môi trường xung quanh mình, nhưng họ lại chưa nhận thức/chưa hiểu được chất thải rắn sinh hoạt mang giá trị tài nguyên nếu có sự phân loại và tài chính
Một nguyên nhân khác là do chưa có mô hình thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt hợp lý. Điều này được thể hiện qua việc tồn tại các cá nhân thu gom từng loại chất thải rắn sinh hoạt theo chủ định (người dân nhặt ve chai, nhặt rác trên các bãi rác). Trong khi ở các khu dân cư không có không gian và số lượng thùng để chứa từng loại chất thải rắn sinh hoạt, thường trong các khu dân cư chỉ có 2 thùng chứa rác ghi là chất hữu cơ và chất vô cơ, nhưng không có nơi để phân loại chi tiết để có thể tái sử dụng hay tái chế.
Ngoài các nguyên nhân trên còn do chưa có thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm phân loại; Chưa có chính sách và cơ chế phù hợp cho việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
Đồng bộ giải pháp biến rác thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên
Để chung tay kiến tạo môi trường xanh cần có những giải pháp đồng bộ để biến rác thải thành tài nguyên. Cụ thể như sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác thải rắn sinh hoạt để họ phân loại rác tại nguồn ngay từ đầu, từ đó giúp cải thiện kiến thức môi trường cho người dân.
Hai là, xây dựng văn hóa môi trường tập trung nhiều hơn đến lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình. Xây dựng văn hóa môi trường là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự quyết tâm và thực hành kỷ luật cao của cả hệ thống chính trị.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách môi trường quy định rõ, cụ thể về việc phân loại rác thải rắn và chế tài xử phạt đối với việc không tuân thủ phân loại rác. Đồng thời, có chính sách tạo động lực để thu hút các bên tham gia xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là doanh nghiệp vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện thị trường mua bán rác thải để giúp nâng cao chuỗi giá trị chất thải rắn sinh hoạt một cách bền vững.
Bốn là, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo an toàn, hiệu quả cho môi trường.
Năm là, có các biện pháp giáo dục thực thi kỷ luật cam kết môi trường. Giải pháp của mọi giải pháp là thực thi kỷ luật, thực hiện cam kết môi trường. Đáng chú ý, việc thực hiện cam kết và thực hành kỷ luật trong một thời gian nhất định sẽ tạo điều kiện cho văn hóa môi trường được hình thành và có kết quat như mong muốn…