Hoạch định các mục tiêu cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan
Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Ban CCHĐH) là đơn vị có chặng đường xây dựng và trưởng thành khá non trẻ so với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan. Song, trong 10 năm qua, đơn vị đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần vào thành tích chung về CCHĐH của ngành Hải quan.
Luôn đứng sau các thành tích cải cách của ngành
Được thành lập trong bối cảnh ngành Hải quan cần phải đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa (CCHĐH) nhằm đáp ứng yêu cầu, góp phần đảm bảo an ninh an toàn xã hội, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, từ năm 2007 đến nay, Ban CCHĐH đã và đang khẳng định vai trò là đơn vị chuyên trách vừa tham mưu, chỉ đạo, vừa trực tiếp thực hiện công tác CCHĐH trên phạm vi toàn Ngành.
Với những kết quả đạt được, Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan đã được các cấp biểu dương khen thưởng:
- Năm 2011 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Năm 2013, 2016 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ
- Năm 2017 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều năm được nhận nhiều Bằng khen “Tập thể Lao động xuất sắc”,
“Cờ thi đua” của Bộ Tài chính về những thành tích đã đạt được.
Sau 10 năm thành lập Ban CCHĐH, công tác CCHĐH của Tổng cục Hải quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng đưa ngành Hải quan trở thành một trong những cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong việc triển khai thành công một loạt hoạt động mới, mang tính đột phá. Những kết quả đó có sự đóng góp lớn của Ban CCHĐH, thể hiện ở các hoạt động như: Tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục về xác định các lĩnh vực trọng tâm về cải cách, hiện đại hóa dài hạn, trung hạn và ngắn hạn thông qua việc xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa hải quan các giai đoạn: 2008-2010, 2011-2015 và 2016-2020.
Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 là chiến lược đầu tiên, tổng thể của ngành Hải quan, là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn CCHĐH đột phá cho ngành. Thực tế sau 5 năm thực hiện, toàn ngành triển khai đồng bộ, thống nhất công tác CCHĐH, hoàn thành cơ bản mục tiêu 5 năm của Chiến lược trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng với đó, Ban CCHĐH đã nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị trong ngành triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử; nghiên cứu, xây dựng nền tảng cơ bản triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nghiên cứu triển khai các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN; nghiên cứu, ứng dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong các lĩnh vực công tác hải quan... Hiện, thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại 100% đơn vị hải quan với sự tham gia của trên 99% tổng số DN, đạt 99 % tổng kim ngạch XNK và hơn 99% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.
Nói về công việc của đơn vị, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban CCHĐH Lê Như Quỳnh cho rằng, CCHĐH là một quá trình liên tục, gắn chặt với quá trình phát triển của Hải quan Việt Nam, đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, quyết đoán từ đội ngũ thực hiện. Mỗi nhiệm vụ do Ban CCHĐH triển khai đều có tính mới, quá trình thực hiện nhiệm vụ trải qua nhiều công việc từ nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị điều kiện triển khai, thực nghiệm, đánh giá, nhân rộng, chính thức.
Mỗi sản phẩm hoạt động của Ban đều có thể coi là một sáng kiến cải tiến trong công việc, được áp dụng trong toàn Ngành, phạm vi tác động của nhiều sản phẩm còn có yếu tố quốc gia, quốc tế. Chính vì vậy, quá trình triển khai công việc luôn phải kết hợp các yếu tố chủ động nghiên cứu, sáng tạo kế thừa chuẩn mực thông lệ quốc tế; tìm kiếm, vận dụng tối đa các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thành công.
Áp dụng phương pháp quản lý hiện đại
Trong triển khai chiến lược phát triển, CCHĐH hải quan, việc đánh giá hiệu quả hoạt động hải quan là mấu chốt quan trọng. Chính vì vậy, Ban CCHĐH đã xây dựng và hình thành phương pháp luận về đánh giá hiệu quả hoạt động hải quan thông qua hệ thống chỉ số. Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu tiên tổ chức triển khai các hoạt động đo thời gian giải phóng hàng, khảo sát mức độ hài lòng của DN trên toàn quốc và đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành thông qua hệ thống chỉ số.
Ban CCHĐH đã chủ trì xây dựng và triển khai nhiều hoạt động đổi mới quản lý nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả tích cực như: Đã nghiên cứu, xây dựng Đề án vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xây dựng khung năng lực cho 220 vị trí việc làm trong toàn ngành Hải quan và trình Bộ Tài chính năm 2013; xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn ngành Quy trình xác định biên chế của Tổng cục Hải quan; trình Tổng cục ban hành hai khung năng lực chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực Giám sát quản lý và lĩnh vực Thuế xuất nhập khẩu; xây dựng sổ tay nghiệp vụ theo vị trí việc làm và hệ thống đánh giá năng lực theo vị trí việc làm.
Đặc biệt, Ban CCHĐH đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục ban hành Chỉ thị số 3957/CT-TCHQ về đẩy mạnh hoạt động đổi mới quản lý nguồn nhân lực Hải quan dựa trên vị trí việc làm giai đoạn 2016-2020. Việc triển khai đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị sẽ giúp ngành Hải quan nâng cao được tính khoa học, công bằng và minh bạch trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực.
Nghiên cứu hải quan tương lai
Xác định CCHĐH là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là yêu cầu cơ bản lâu dài của ngành Hải quan, đáp ứng yêu cầu này, trong thời gian tới, Ban CCHĐH tiếp tục đóng vai trò là đơn vị điều phối thống nhất các hoạt động CCHĐH trong toàn ngành, hàng năm xây dựng chương trình hành động cho toàn ngành.
Bên cạnh đó, để hoạch định các kế hoạch CCHĐH dài hạn của ngành, Ban tiếp tục chủ trì nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất mô hình phát triển hải quan cho giai đoạn 2021-2035 để tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ Chiến lược giai đoạn tới của Ngành. Đẩy mạnh hoạt động phát triển quan hệ đối tác theo chiều rộng và chiều sâu.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đưa vào triển khai các bộ chỉ số cho các lĩnh vực của ngành nhằm giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa mà vẫn đảm bảo các yêu cầu quản lý hải quan. Đồng thời nghiên cứu, ứng dụng và triển khai chính thức trong toàn ngành phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo khung năng lực và vị trí việc làm; nghiên cứu thí điểm các mô hình quản lý hiện đại và triển khai nhân rộng trong toàn ngành với mục tiêu Hải quan Việt Nam phấn đấu là một trong những cơ quan Hải quan hiện đại trong khu vực.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đồng hành cùng doanh nghiệp trong cải cách hiện đại hóa
Những năm gần đây, ngành Hải quan đã triển khai quyết liệt nhiều chương trình cải cách, đóng góp vào kết quả đó có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan.
Qua điều tra gần 200 hiệp hội DN của VCCI vào cuối năm 2015, Hải quan Việt Nam là 1 trong 3 ngành có sự chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Cụ thể, cộng đồng DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu đã ghi nhận kết quả, cải cách mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả của ngành Hải quan.
Thông qua các buổi làm việc giữa VCCI với cán bộ, công chức thuộc Tổng cục Hải quan nói chung và Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan nói riêng đều thấy rõ tinh thần cải cách rất lớn từ trong suy nghĩ, cách làm, với những tư duy tiến bộ, đồng hành hỗ trợ DN. Từ các hội nghị đối thoại DN, các đợt điều tra, đánh giá sự hài lòng của DN, xây dựng chính sách… về lĩnh vực hải quan được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản.
Tin tưởng rằng những đóng góp của cán bộ, công chức thuộc Ban Cải cách hiện đại hóa sẽ góp phần vào thành tích chung của ngành Hải quan, cũng như thay đổi phương thức quản lý của DN.