Hoàn lại số tiền thuế đã nộp thừa do khai báo sai trị giá hàng hóa nhập khẩu?

PV.

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 5051/TCHQ-TXNK ngày 26/10/2021 gửi Công ty TNHH Mobase Việt Nam (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) về việc xử lý tiền thuế nộp thừa do khai báo sai trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 27092021/CV-MBS ngày 27/9/2021 của Công ty TNHH Mobase Việt Nam về việc xin hoàn lại số tiền thuế đã nộp thừa do khai báo sai trị giá hàng hóa nhập khẩu. Trong Công văn số 5051/TCHQ-TXNK gửi đến Công ty TNHH Mobase Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã làm rõ và hướng dẫn một số nội dung mà Công ty quan tâm.

Về thủ tục hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, khoản 4, Điều 3, Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định về khu vực hải quan riêng quy định rõ: “Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”.

Điều 41, Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: Trừ trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất quy định tại Điều 39 của Luật này, thương nhân được tạm nhập vào Việt Nam hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa không thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo hợp đồng với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Thời hạn tạm nhập, tái xuất thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan... Khoản 1 Điều 57 của Luật này cũng quy định rõ: Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cũng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Theo đó, khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Khoản 1, Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ cũng quy định: “Khu chế xuất, DN chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu”.

Điều 50, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm.

Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp Công ty TNHH Samsung Việt Nam (DN chế xuất) cho Công ty TNHH Mobase Việt Nam (DN nội địa) mượn máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị để phục vụ sản xuất ra sản phẩm cho chính DN chế xuất thì DN chế xuất mở tờ khai tạm xuất, DN nội địa mở tờ khai tạm nhập. Sau khi kết thúc hợp đồng mượn, DN nội địa thực hiện thủ tục tái xuất, DN chế xuất thực hiện thủ tục tái nhập lại số máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị đã cho mượn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu này.

Về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn

Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, điểm a, khoản 2, Điều 16 Luật này cũng nêu rõ: Máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất được miễn thuế nhập khẩu.

Cũng theo điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật này, thì việc hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.

Liên quan đến thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn, Tổng cục Hải quan cũng dẫn thêm quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Mobase Việt Nam (DN nội địa) mượn máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị của Công ty TNHH Samsung Việt Nam (là DN chế xuất) theo hợp đồng mượn để phục vụ sản xuất thì DN nội địa không được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH12, DN nội địa phải kê khai nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập và không thuộc các trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 do là trường hợp đi mượn. Trị giá tính thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về thuế GTGT đối với hàng hóa đi mượn (hàng hóa tạm nhập- tái xuất)

Liên quan đến thuế GTGT đối với hàng hóa đi mượn, Tổng cục Hải quan dẫn khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12. Theo đó, hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đối với số máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị của DN nội địa đi mượn của DN chế xuất, DN nội địa đã đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Trường hợp đã hết thời hạn cho mượn nhưng DN nội địa tiếp tục sử dụng, không tái xuất thì ngay sau khi hết thời hạn mượn DN nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT cùng với thuế nhập khẩu trên tờ khai hải quan mới theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐCP ngày 20/4/2018 của Chính phủ.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trường hợp trong quá trình sử dụng máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị bị hư hỏng không thể tái xuất, buộc phải tiêu hủy và đã thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định của pháp luật thì DN nội địa không phải kê khai nộp thuế GTGT đối với số máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị này.

Về khai bổ sung

Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung đối với hàng hóa đã được thông quan: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm. Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ quy định tại khoản b, điểm, Điều 20, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, đối với việc khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan, trừ nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong các trường hợp sau:

- Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.

- Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với hàng hoá đi mượn thuộc các tờ khai tạm nhập Công ty TNHH Mobase Việt Nam đăng ký từ ngày 15/10/2019 (ngày có hiệu lực của Thông tư số 60/2014/TT-BTC) và chưa tái xuất, Công ty xác định có sai sót trong việc khai trị giá hải quan và thuộc các trường hợp được phép khai bổ sung tờ khai hải quan theo trị giá tính thuế của hàng đi mượn quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BTC ngày 30/8/2014 của Bộ Tài chính nêu trên thì thực hiện khai bổ sung theo quy định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra các điều kiện để được khai bổ sung, trị giá hải quan khai bổ sung, chính sách thuế và các quy định về khai bổ sung để xử lý theo quy định.

Về xử lý số tiền thuế nộp thừa

Về vấn đề xử lý số tiền thuế nộp thừa, Tổng cục Hải quan dẫn quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2012/QH14. Theo đó, người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng dẫn các quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2001/TT-BTC ngày 22/1/2021; Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Như vậy, trường hợp Công ty TNHH Mobase Việt Nam thuộc trường hợp khai bổ sung do khai sai về trị giá tính thuế dẫn đến số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra lý do khai bổ sung, tờ khai hải quan, các chứng từ, tài liệu có liên quan để xác định trị giá hải quan và chính sách thuế theo đúng quy định.

Về xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập – tái xuất

Căn cứ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, thì hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới.

Trong khi đó, theo điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.

Bên cạnh đó, điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC, quy định: Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 17, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về các trường hợp cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp Công ty TNHH Mobase Việt Nam (DN nội địa) mượn máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị của Công ty TNHH Samsung Việt Nam (là DN chế xuất) theo hợp đồng mượn để phục vụ sản xuất thì sau khi kết thúc thời hạn mượn, Công ty phải thực hiện tái xuất số máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị đã mượn.

Trường hợp Công ty không thực hiện tái xuất số máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị đã mượn thì ngay sau khi kết thúc thời hạn mượn phải đăng ký tờ khai hải quan mới, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định. Trường hợp không kê khai nộp đủ các loại thuế khi đã kết thúc thời hạn đi mượn thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.