Hoàn thành đối soát, chuẩn hoá thông tin của 125 triệu thuê bao


Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao của 125 triệu thuê bao đang hoạt động.

Ảnh  minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác

Trong thời gian qua, nhằm hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý SIM có thông tin không đúng quy định (với kết quả như đã nêu ở trên).

Ngoài ra, mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Ngày 24/11/2023, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Đặc biệt, đến nay đã tròn 1 năm kể từ thời điểm Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao (SIM điện thoại) có thông tin không chính xác.

Theo Cục Viễn thông, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó đã xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) và 10 triệu thuê bao thuộc tập đứng tên ≥ 10 SIM/01 giấy tờ.

Trên cơ sở đó, trong năm 2024 các doanh nghiệp đang tập trung tiếp tục triển khai xử lý (chuẩn hóa) với các thuê bao đang sở hữu, đứng tên nhiều SIM (≥ 4 SIM/giấy tờ), cụ thể trong tháng 3, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai xử lý tập 8 SIM/giấy tờ, đồng thời bổ sung điều kiện xác thực OTP với thuê bao phát triển mới từ SIM thứ 2 trở đi (gửi mã xác thực OTP về SIM đã đăng ký trước đó).

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau: Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.

Cùng với đó, chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh; phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 3/2024, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các nhà mạng đã có những rà soát, chấn chỉnh hoạt động mua, bán SIM rác để hạn chế tình trạng cuộc gọi/tin nhắn rác.

Đặc biệt, các nhà mạng đã dừng toàn bộ hoạt động của các đại lý bán SIM với hình thức mua bán SIM đã kích hoạt sẵn. Các nhà mạng sẽ tập trung phát hành SIM tại các chuỗi, hệ thống có đủ nhân lực kinh doanh. Không những vậy, các nhà mạng sẽ phát triển những kênh của chính doanh nghiệp mình.

Sau thời gian triển khai quyết liệt, đã có 100% thuê bao được chuẩn hoá thông tin theo cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với số lượng là 127 triệu thuê bao ở Việt Nam. Mặc dù đã chuẩn hoá 100% thuê bao, nhưng ông Nhã vẫn băn khoăn vì hiện nay hiện tượng cuộc gọi/tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng vẫn phát sinh.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết liệt triển khai thông tin thuê bao chính chủ để phát triển thuê bao minh bạch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách để các thuê bao chính chủ được phát triển, đăng ký trực tuyến và cũng là cơ hội để các nhà mạng tiếp tục phát triển thuê bao của mình. "Phát triển thuê bao chính chủ trực tuyến, nhưng buộc phải đảm bảo thông tin chính xác" - ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.

Từ việc phát triển thuê bao chính chủ, các hành vi lừa đảo, cuộc gọi rác mới có hy vọng được giải quyết triệt để.

Theo Báo Công Thương