Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa:
Hoàn thành xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bảo vệ, phát triển rừng
Với tinh thần, quyết tâm cao của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đến hết ngày 4/10/2024, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Thanh Hóa đã hoàn thành xuất cấp 211,840 tấn gạo hỗ trợ người dân huyện Mường Lát thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.
Thực hiện quyết định của Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực Thanh Hoá đã khẩn trương phối hợp báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phân bổ gạo; liên hệ đấu mối để UBND huyện Mường Lát phê duyệt số hộ, số khẩu, diện tích, số lượng gạo hỗ trợ để tổ chức triển khai.
Đồng thời, đơn vị thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực, lập phương án xuất gạo; lựa chọn nhà thầu vận chuyển, bốc xếp để đảm bảo thời gian và tiến độ giao nhận.
Là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát có địa hình phức tạp, độ dốc lớn. Huyện có diện tích đất lâm nghiệp nhiều, cơ sở hạ tầng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to và rất to, đã gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn huyện Mường Lát. Các tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 16, đường liên huyện, liên xã ở Mường Lát bị mưa lũ gây sạt lở hàng chục điểm. Do đó, việc giao nhận gạo hỗ trợ của đơn vị cho Mường Lát gặp rất nhiều khó khăn, xe chở gạo không lưu thông được, phải trung chuyển trong khi nhân lực của đơn vị còn hạn chế.
Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đến hết ngày 4/10/2024, Cục DTNN khu vực Thanh Hóa đã hoàn thành xuất cấp 211,840 tấn gạo hỗ trợ người dân trồng rừng huyện Mường Lát, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.
Việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; thay đổi tập quán của người dân vùng núi từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, bảo vệ rừng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên. Từ đó, cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.