Hoàn thiện cấu trúc quản lý, tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán
Khi Việt Nam chuẩn bị ký kết TPP, các điều kiện cần thiết về pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, con người và hàng hóa cho thị trường chứng khoán (TTCK) đã được hình thành và từng bước hoàn thiện, sẵn sàng cho hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Ngày 20/7/2000, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, cùng với quyết tâm và huy động mọi khả năng sẵn có, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa TTCK chính thức đi vào hoạt động bằng việc khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
TTCK đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của thị trường tài chính và tạo ra một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Đây là sự khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, là sự bổ sung cần thiết cho cơ cấu tài chính của nước ta trong quá trình hội nhập với bên ngoài; là bước thử nghiệm đầu tiên trong quá trình xây dựng và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Kể từ đó tới nay, UBCKNN đã tập trung mọi lực lượng, xây dựng chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Đồng thời việc quản lý, giám sát thị trường đã luôn bảo đảm hoạt động và phát triển TTCK, qua đó huy động vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, góp phần cải cách hệ thống thị trường tài chính, tiến tới hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Rõ ràng, để không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của TTCK Việt Nam, cơ quan quản lý trực tiếp phải xây dựng bằng được một khung pháp lý vững chắc và phù hợp cũng như một hệ thống cơ chế chính sách có hiệu quả để phát triển TTCK phục vụ nền kinh tế, nhất là cho nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Quy mô vốn hóa thị trường đạt hơn 33% GDP
Để thật sự là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, khởi đầu chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết với mức vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, TTCK Việt Nam đã có 678 công ty niêm yết trên hai Sở GDCK, chưa kể hơn 225 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng 339 lần; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 1.300.000 tỷ đồng, tăng 1.300 lần so với năm 2000 và tăng 1,78 lần so với đầu năm 2010.
Quy mô vốn hóa thị trường đạt hơn 33% GDP, tăng 114 lần so với năm 2000. Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền
tệ - tín dụng…
Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK đến nay đã đạt gần 2 triệu tỷ đồng, trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), huy động vốn cho ngân sách nhà nước với lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu TPCP tới nay ước đạt 833 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động trong giai đoạn 2010-2015 đạt gần 800 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với giai đoạn 2005-2010. Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 33% GDP.
Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng hơn 55% GDP. Điều này cho thấy TTCK đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Cấu trúc TTCK cũng đã ngày càng hoàn thiện với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu trong nước. Thị trường trái phiếu Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm ba nước có tốc độ phát triển cao nhất khu vực châu Á theo đánh giá của ADB; hoạt động phát hành trái phiếu thông qua đấu thầu trên TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, thay thế cho việc bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Thúc đẩy tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN
Trong quá trình phát triển của mình, TTCK còn có vai trò quan trọng đối với công tác tái cấu trúc các DNNN, nhất là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước.
Từ năm 2005 đến nay, tổng giá trị đấu giá cổ phần qua hai Sở GDCK đạt xấp xỉ 102 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt năm 2014, hoạt động đấu giá trên hai Sở và qua các công ty chứng khoán đã tăng mạnh với tổng giá trị đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng gấp bốn lần so với năm 2013.
Với các công ty niêm yết sau cổ phần hóa trên TTCK, quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị được nâng cao, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 18%/năm, đã hình thành nên các tập đoàn DN lớn như Vinamilk, Vincom, Hòa Phát, Masan, Cơ điện lạnh - REE.
Cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các DNNN cổ phần hóa niêm yết đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận, bình quân tổng doanh thu tăng khoảng 6,5%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 10%/năm.
Ngoài ra, TTCK cũng đã thiết lập được các chuẩn mực mới về công tác quản trị DN và minh bạch hóa hoạt động DN, hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế. Nhất là đối với việc thực hiện đầu tư công, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2010-2015, Chính phủ đã huy động gần 795.830 tỷ đồng thông qua các đợt đấu thầu TPCP trên TTCK, tăng 18 lần so với giai đoạn 2005-2010.
Mức độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm, dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN+ 3. TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Nhìn chung, khi hội nhập kinh tế quốc tế, TTCK Việt Nam đã tự chuẩn bị cho mình những hành trang cần và đủ. Đó là sự tự xây dựng và ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của TTCK, trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, giám sát, giúp TTCK hoạt động an toàn, công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Đó là sự không ngừng hoàn thiện cấu trúc của TTCK, tách chức năng quản lý với chức năng tổ chức và vận hành thị trường, góp phần nâng cao khả năng quản lý, giám sát của Nhà nước; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường.
Mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế. Có thể nói, TTCK Việt Nam đã vượt qua các thách thức, tạo lập một kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.