Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi

PV.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) vẫn chưa nằm trong danh sách các dự án luật được sửa đổi, bổ sung tại Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Mới đây, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, trong các quy định của Luật, vai trò của BHTG Việt Nam được chú ý và nâng cao hơn. Luật này có ý nghĩa quan trọng để củng cố nền tảng cho các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống; tạo đòn bẩy cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD ngày một hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam trong tái cơ cấu TCTD

Tại Luật Các TCTD 2024, cơ quan soạn thảo đã chú ý nhiều hơn đến vai trò của BHTG Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, đặc biệt trong phương án phục hồi và biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; trong hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; trong trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt…

Luật đề cập đến việc để BHTG Việt Nam cùng tham gia vào quá trình can thiệp sớm đối với TCTD là cần thiết, vừa tận dụng được nguồn lực, vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm của BHTG Việt Nam đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia BHTG. Đặc biệt, Luật Các TCTD năm 2024 tạo thêm cơ sở cũng như nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.

Theo đó, đối với phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, tại Điều 169 của Luật Các TCTD 2024 quy định về Xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi. Cụ thể: 

“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 của Luật này, TCTD được kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi gửi Ban kiểm soát đặc biệt.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi của TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tính khả thi của phương án phục hồi.

Đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức BHTG, ngân hàng hợp tác xã đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.

NHNN xem xét, phê duyệt phương án phục hồi trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt theo quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp không phê duyệt, NHNN có văn bản gửi TCTD, Ban kiểm soát đặc biệt.

Trường hợp phương án phục hồi đề xuất biện pháp cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trước khi phê duyệt phương án phục hồi.

Thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có thể được NHNN gia hạn nhưng không quá hai lần thời hạn đó”.

Về biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt:

Tại Điều 171 của Luật TCTD 2024 quy định, TCTD được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

“a) Vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

b) Miễn tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ NHNN;

c) Nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với lãi suất ưu đãi;

d) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do TCTD hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đó cho TCTD hỗ trợ;

đ) Được thỏa thuận, lựa chọn một hoặc một số tổ chức tín dụng hỗ trợ tham gia phương án phục hồi;

e) Được TCTD hỗ trợ cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành; hỗ trợ về công nghệ thông tin;

g) Trường hợp TCTD có lãi phải thu phải thoái, TCTD được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 10 năm kể từ khi được NHNN chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt;

h) Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án khắc phục, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại Điều 63 và Điều 77 của Luật này. Cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn;

i) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.

TCTD được kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

a) Biện pháp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và i khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của NHNN, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

c) Quỹ tín dụng nhân dân được vay đặc biệt của ngân hàng hợp tác xã từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất đến mức 0%/năm”

Về hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc:

Điều 182 quy định biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc:

“1. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ;

b) Nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận;

c) Mua nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp do bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; bán lại nợ, bán lại trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận hoặc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu;

d) Được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin và các hoạt động khác theo thỏa thuận;

đ) Miễn tiền lãi vay của khoản vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ NHNN;

e) Vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

g) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN”.

Trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:

Điều 188 Luật Các TCTD 2024 quy định về phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:

“1. Phương án phá sản của TCTD được kiểm soát đặc biệt được xây dựng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) TCTD được kiểm soát đặc biệt không có phương án cơ cấu lại trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 169, khoản 1 Điều 176 của Luật này và không đủ điều kiện chuyển giao bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 179, khoản 1 Điều 180 của Luật này, không đủ điều kiện giải thể quy định tại khoản 1 Điều 187 của Luật này;

b) Ngân hàng thương mại thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 179, khoản 5 Điều 180, khoản 9 Điều 183 của Luật này;

c) TCTD thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 204 của Luật này;

d) TCTD được kiểm soát đặc biệt đề xuất phương án phá sản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 hoặc khoản 5 Điều 172 hoặc khoản 6 Điều 178 của Luật này.

Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, đề xuất NHNN trình Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD.

Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG và ngân hàng hợp tác xã xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức BHTG, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG và ngân hàng hợp tác xã hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, trình NHNN phê duyệt”.

Như vậy, với những quy định tại Luật Các TCTD 2024, vai trò của BHTG Việt Nam tiếp tục được phát huy và nâng cao.

Sửa Luật BHTG là yêu cầu khách quan về hoàn thiện chính sách

Để BHTG Việt Nam hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình, có thể tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, cần thiết phải sửa đổi Luật BHTG; đồng thời cũng phù hợp hơn với những điểm mới tại Luật Các TCTD (sửa đổi). Đây cũng là yêu cầu khách quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật BHTG để phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, cũng như tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực BHTG.

Đến nay, đã hơn 10 năm, người gửi tiền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bởi Luật BHTG (Luật BHTG có hiệu lực từ 01/01/2013). Mặc dù chưa phải chi trả cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ, phá sản các ngân hàng, song kể từ khi thành lập, BHTG Việt Nam đã chi trả tiền BHTG cho những người gửi tiền tại gần 40 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bị giải thể, phá sản. Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tại các quỹ này được đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, tạo niềm tin cho người gửi tiền tại các QTDND nói riêng và các TCTD nói chung.

Trong quá trình triển khai Luật BHTG, tổ chức này đã thể hiện rõ vai trò thông qua việc giám sát từ xa và kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG. Khi kiểm tra giám sát, nếu phát hiện sai phạm, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, BHTG Việt Nam đã kịp thời báo cáo NHNN để thanh tra, chấn chỉnh kịp thời. Điều đó đã hạn chế được rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, hạn chế hiện tượng đổ vỡ, mất thanh khoản tại các TCTD.

Bên cạnh đó, BHTG Việt Nam thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Nhờ vậy, người dân yên tâm tin tưởng gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG.

Có thể nói, BHTG Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền thông qua triển khai có hiệu quả chính sách BHTG và các hoạt động nghiệp vụ; góp phần cùng với các cơ quan trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của các QTDND và hệ thống các TCTD nói chung; chủ động nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các nội dung về sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý về cơ chế, chính sách đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, giúp hệ thống TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng sau 10 năm triển khai Luật BHTG, song đến nay, Luật này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Trước hết, Luật BHTG quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về các kênh đầu tư; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...

Bên cạnh đó, Luật BHTG chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời so với Luật Các TCTD năm 2024 dẫn tới việc một số quy định trong Luật Các TCTD đã được sửa đổi, song tại Luật BHTG lại không có dẫn tới khó khăn trong quá trình tham gia tái cơ cấu, hỗ trợ các TCTD phục hồi cũng như quá trình kiểm soát đặc biệt.

Đồng thời, các cơ chế chính sách pháp luật liên quan chưa đồng bộ và không thống nhất đã gây hạn chế, khó khăn cho tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng thư tham gia sâu hơn vào quá trình hỗ trợ, cơ cấu lại các TCTD yếu kém…

Hơn nữa, việc sửa đổi Luật BHTG là rất cấp bách nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam và phù hợp với thực tiễn. Điều này được thể hiện rất rõ tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội như:

Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đề cập đến việc sửa đổi Luật BHTG. Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG xử lý các TCTD yếu kém.

Tại Quyết định 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu sửa Luật BHTG…Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15, Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi các luật về TCTD, NHNN, trong đó có Luật BHTG.

Như vậy, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là chủ trương xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ, NHNN; cũng là nhiệm vụ quan trọng BHTG Việt Nam được giao để BHTG Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Thời gian tới, BHTG Việt Nam cần tập trung đề xuất sửa đổi Luật BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung cơ chế để BHTG Việt Nam tham gia có hiệu quả vào quá trình xử lí các TCTD yếu kém, phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.