Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn: Nhìn từ Đan Mạch

PV.

Đan Mạch là một trong những quốc gia điển hình về phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Với việc thông qua Chiến lược quốc gia về KTTH năm 2018 và hỗ trợ tài chính 16 triệu EUR cho việc triển khai 15 sáng kiến KTTH khác nhau hướng tới xã hội phát triển bền vững, Đan Mạch đã, đang tạo được những điểm nhấn trong hoàn thiện chính sách phát triển KTTH.

Năm 2017, Chính phủ Đan Mạch cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn về kinh tế tuần hoàn.
Năm 2017, Chính phủ Đan Mạch cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn về kinh tế tuần hoàn.

Theo Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chiến lược quốc gia về KTTH năm 2018 được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018- 2022 và hướng vào 6 nhóm mục tiêu chính, gồm: (1) Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp với tư cách là động lực chính cho quá trình chuyển dịch sang KTTH; (2) Hỗ trợ KTTH thông qua dữ liệu hoá và số hoá về quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng của sản phẩm; (3) Thúc đẩy KTTH thông qua thay đổi thiết kế, cấu tạo sản phẩm nhằm nâng cao bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng; (4) Hình thành thói quen tiêu dùng mới thông qua KTTH; (5) Tạo lập thị trường cho rác thải công nghệp, nguồn nguyên liệu thô; (6) Gia tăng giá trị của các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.

Để thúc đẩy phát triển KTTH, năm 2017, Chính phủ Đan Mạch đã thành lập Hội đồng Tư vấn về KTTH. Hội đồng này gồm 12 thành viên là đại diện ở cấp độ CEO của nhiều công ty Đan Mạch, vai trò của họ là đưa ra các khuyến nghị về cách chính phủ có thể tạo ra và hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng KTTH.

Tại Hội nghị do Liên đoàn các ngành công nghiệp Đan Mạch tổ chức vào ngày 23/3/2017, với hơn 200 người tham gia đã tranh luận về một số khuyến nghị sơ bộ, bao gồm: Thiết lập thị trường cho các loại chất thải khác nhau; Thúc đẩy nền KTTH thông qua mua sắm công; Tập trung vào chi phí vòng đời thay vì chi phí đầu tư; Ban hành quy định về xây dựng KTTH trước năm 2026; Tăng cường các nguyên tắc tuần hoàn trong chính sách sản phẩm như chỉ thị về Thiết kế Sinh thái.

Đan Mạch cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển KTTH như là một phần của kế hoạch quốc gia về ngăn chặn và quản lý chất thải giai đoạn 2020 - 2032. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu, chỉ số, chính sách và sáng kiến của Đan Mạch trong toàn bộ chuỗi giá trị tuần hoàn, bao gồm từ thiết kế và tiêu thụ đến quản lý chất thải, từ đó tài nguyên thiên nhiên được tái chế thành các sản phẩm và vật liệu mới. Ngoài một số sáng kiến đối với chuỗi giá trị nói chung, Kế hoạch hành động còn tập trung vào ba lĩnh vực có tác động đáng kể đến môi trường và khí hậu: sinh khối, xây dựng và nhựa.

Kế hoạch hành động phát triển nền KTTH bao gồm tổng số 129 sáng kiến. Những sáng kiến này cũng được đưa vào Kế hoạch về khí hậu đối với lĩnh vực chất thải xanh và nền KTTH (2020), Chiến lược mua sắm công xanh (2020), Chiến lược quốc gia về xây dựng môi trường bền vững (2021), Chiến lược cho nền KTTH (2018) và Kế hoạch hành động về lĩnh vực nhựa (2018). Kế hoạch xác định 5 mục tiêu trọng tâm: (i) giảm chất thải và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn; (ii) tái chế nhiều hơn và tốt hơn; (iii) sử dụng sinh khối hiệu quả hơn; (iv) môi trường xây dựng bền vững và (v) nhựa trong nền KTTH.

Kế hoạch Hành động phát triển KTTH thể hiện các mục tiêu và chỉ số của Chính phủ Đan Mạch cho quá trình chuyển đổi sang nền KTTH. Đan Mạch cam kết với các mục tiêu của EU là tăng tái chế rác thải đô thị lên 55% vào năm 2025, 60% vào năm 2030 và 65% vào năm 2035.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đan Mạch dự đoán rằng, nước này sẽ gần đạt được các mục tiêu về tái chế rác thải đô thị vào năm 2025 và 2030 thông qua các sáng kiến chính sách đã được công bố. Chính phủ Đan Mạch kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu mà không cần các biện pháp chính sách khác. Các sáng kiến khác có thể là cần thiết để đáp ứng mục tiêu tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035 và mục tiêu tái chế 50% chất thải bao bì nhựa vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, Chính phủ Đan Mạch đã có các giải pháp: (i) Tăng cường nỗ lực tích hợp KTTH vào các quy định về thiết kế sinh thái của EU; (ii) Bắt buộc sử dụng sản phẩm nhãn xanh đối với mua sắm công; (iii) Quy định bắt buộc sử dụng tổng chi phí sở hữu trong mua sắm công; (iv) Hướng dẫn về giảm tỷ lệ canxi trong cung cấp nước uống và (v) Hình thành khung rõ ràng đối với các cửa hàng đồ cũ ở thành phố.

Các chính sách chủ yếu đối với mục tiêu này gồm: (i) Hợp lý hóa việc phân loại và thu gom rác thải đô thị; (ii) Quy định kiểm toán tăng cường và dựa trên rủi ro đối với các hoạt động quản lý chất thải của doanh nghiệp; (iii) Đặt ra các yêu cầu liên quan đến đấu thầu xử lý chất thải có thể tái chế; (iv) Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong lĩnh vực bao bì; (v) Hiện đại hóa trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với ngành điện tử. Kết quả là, 44% chất thải được tái chế, 29% được đốt, trong khi 24% được sử dụng cho các hình thức thu hồi khác và 3% được đưa đến bãi chôn lấp.

Năm 2019, người dân và các công ty ở Đan Mạch đã tạo ra khoảng 12,7 triệu tấn chất thải, gồm 28% có nguồn gốc từ các hộ gia đình, 40% có nguồn gốc từ xây dựng và phá dỡ, và 32% đến từ các ngành công nghiệp khác.

Với mục tiêu vì môi trường xây dựng bền vững, Đan Mạch đặt mục tiêu, chất thải từ xây dựng và phá dỡ là dòng chất thải lớn nhất ở Đan Mạch, hàng năm lên tới khoảng 5 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng chất thải được tạo ra ở Đan Mạch.

Để xử lý vấn đề này, Chính phủ Đan Mạch đã đưa ra các giải pháp: (i) Cập nhật Quy định về xây dựng với các yếu tố về biện pháp tự nguyện về khử cacbon trong xây dựng; (ii); Đặt ra các giá trị giới hạn ngày càng tăng về tổng lượng khí nhà kính từ các tòa nhà; (iii) Phát triển các công cụ LCA- và LCC hiện có của Đan Mạch cho các tòa nhà thành các công cụ thiết kế; (iv) Quy định các yêu cầu đối với kế hoạch phá dỡ được tiêu chuẩn hóa...

Về nhựa trong nền KTTH, rác thải nhựa là nguồn phát thải CO2 lớn nhất của Đan Mạch do quá trình đốt chất thải. Chính phủ đã có một số chính sách như: Đưa ra lệnh cấm đối với một số loại nhựa sử dụng một lần; Giảm 50% số lượng các dạng bao bì nhựa mang đi cụ thể; Yêu cầu tái chế tối thiểu 60% chất thải nhựa được thu gom; Thiết lập một nhiệm vụ nghiên cứu về tái chế và giảm chất thải nhựa. Kết quả là, lượng rác thải nhựa được thu gom để tái chế đã tăng từ 89.000 tấn năm 2014 lên 122.000 tấn vào năm 2019, chủ yếu là lượng rác thải nhựa được thu gom từ các hộ gia đình.