Hoàn thiện chính sách xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam
Việc xây dựng các chính sách đô thị thông minh có ý nghĩa hết sức to lớn, nó thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược. Việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sẽ làm cho cuộc sống của con người tiện ích, thân thiện mới môi trường hơn. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung triển khai các văn bản chính sách cụ thể để hiện thực hóa Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam tăng nhanh với số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị năm 1999 lên 819 đô thị vào năm 2017, đi kèm với đó là hàng loạt những thách thức. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp giải quyết hiệu quả các nội dung trọng tâm như: Đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) kèm theo đó và các vấn đề của đô thị tăng lên như các vấn đề về môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở; Cở sở hạ tầng trở nên lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng cao; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng lên như: Giáo dục, y tế, dịch vụ tiện ích…
Xác định đô thị thông minh (ĐTTM) là thành xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã tập trung triển khai các văn bản chính sách cụ thể như: Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Công văn số 58/BTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về Công nghệ thông tin và Truyền thông trong xây dựng ĐTTM ở Việt Nam...
Theo các chuyên gia, đối với Việt Nam, xây dựng ĐTTM là một khái niệm mới vì vậy các nhà làm hoạch định chính sách cần phải có những kế hoạch, chiến lược phù hợp. Cụ thể, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Trước tiên là chú trọng nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng ĐTTM trong giai đoạn hiện nay. Tiếp theo, nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm và năng lực xây dựng ĐTTM cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền về ĐTTM để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của “xây dựng ĐTTM”; Về lâu dài, cần rà soát hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến “xây dựng ĐTTM” để có lộ trình bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc xây dựng ĐTTM từ nguồn vốn đầu tư khoa học công nghệ và các nguồn vốn khác; Xây dựng cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin ở trong và ngoài nước; Có chế độ khuyến khích các địa phương triển khai xây dựng, thành lập phát triển công nghệ thông tin – truyền thông.
Thứ tư, hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung mới của chính sách, rà soát kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ vể công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm ở vị trí công nghệ thông tin; Chú trọng xây dựng và quản lý quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi triển khai thực hiện.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, chương trình về triển khai xây dựng ĐTTM ở các địa phương trong cả nước để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp; Bảo đảm chế độ thông tin báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về xây dựng và phát triển ĐTTM; Cập nhật thông tin, phân tích, dự báo tình hình tốc độ đô thị hóa và các vấn để khác liên quan đến ĐTTM.