Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và những yêu cầu đặt ra 

Việt Nga

Xu thế xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là tất yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển và hưởng thụ của người dân. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành, triển khai nhiều chính sách phát triển ĐTTM, bước đầu đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Thực tiễn phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Sau hơn 30 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã có tốc độ đô thị hoá nhanh với số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị năm 1999, đến nay lên khoảng trên 900 đô thị. Nhìn chung, việc phát triển đô thị tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công ở tỉnh, thành phố đều được chú trọng và triển khai theo đúng hướng dẫn. Tại các tỉnh, thành trên cả nước hạ tầng cơ sở kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư khá hiện đại và đồng bộ giữa các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị: 100% các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ được trang bị máy tính, có hệ thống kết nối mạng Lan và Man, hòm thư công vụ, hệ thống điều hành quản lý văn bản…

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đã tích cực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, hầu hết các tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đồng thời triển khai hệ thống dịch vụ công cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng ĐTTM sẽ gặp phải những cản trở chính sau: Cơ cấu quản lý, phương thức quản lý đô thị tách rời, cục bộ, không liên kết, không chia sẻ, thiếu hợp tác giữa các bên; Thiếu kinh phí hoạt động; Năng lực ngành công nghệ thông tin – truyền thông hạn chế, lạc hậu; Người dân chưa quan tâm tham gia, phát huy lợi ích của ĐTTM; Thiếu lãnh đạo có tầm nhìn để phát triển ĐTTM.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đối với chính sách còn hạn chế, mặc dù chính sách ban hành rất  thiết thực nhưng do thói quen của người dân nên việc thực thi chính sách theo đúng mục tiêu còn nhiều khó khăn.

Đến nay, chưa có chính sách thu hút các công ty công nghệ thông tin về kinh doanh và đầu tư vào “xây dựng ĐTTM, chưa có kế hoạch cụ thể phối hợp với công ty công nghệ thông tin xây dựng khung kiến trúc để thống nhất, đồng bộ hoá hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng ĐTTM.

Mặt khác, chưa có chính sách nào cụ thể về nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng thông minh còn hạn hẹp, ban đầu chủ yếu vẫn từ vốn NSNN, tuy nhiên nguồn vốn này có hạn, nguy cơ không đủ nguồn lực để duy trì và phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong những năm.

Cần hoàn thiện chính sách

Đối với Việt Nam, xây dựng ĐTTM là một khái niệm mới vì vậy các nhà làm hoạch định chính sách cần phải có những kế hoạch, chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn để chính sách đi vào thực tế đời sống. Theo đó, trong rất nhiều yếu tố để phát triển ĐTTM thì trước hết cần hoàn thiện chính sách.

Trước tiên là chú trọng nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng ĐTTM trong giai đoạn hiện nay. Tiếp theo, nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm và năng lực xây dựng ĐTTM cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền về ĐTTM để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Cần có sự phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của “xây dựng đô thị thông minh”. Về lâu dài, cần rà soát hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến “xây dựng đô thị thông minh” để có lộ trình bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc xây dựng ĐTTM từ nguồn vốn đầu tư khoa học công nghệ và các nguồn vốn khác. Xây dựng cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin ở trong và ngoài nước. Xây dựng các cơ chế hợp tác công – tư hiệu quả, công khai, minh bạch. Có chế độ khuyến khích các địa phương triển khai xây dựng đô thị thông minh, thành lập phát triển công nghệ thông tin – truyền thông.

Hướng dẫn địa phương triển khai các nội dung mới của chính sách, rà soát kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ vể công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm ở vị trí công nghệ thông tin. Luôn luôn chú trọng xây dựng và quản lý quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi triển khai thực hiện.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về triển khai xây dựng ĐTTM ở các địa phương trong cả nước, để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp. Bảo đảm chế độ thông tin báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về xây dựng và phát triển đô thị thông minh.