Hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí sản xuất tại Công ty Cổ phần Lâm sản 19
Kế toán quản trị chi phí là quá trình thu thập xử lý, cung cấp các thông tin về chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phục vụ cho quá trình lập kế hoạch, kiểm tra, kiểm soát chi phí và ra các quyết định kinh doanh.
Tại Việt Nam, kế toán quản trị chi phí vẫn là vấn đề còn mới mẻ, chưa được quan tâm tại nhiều doanh nghiệp. Với Công ty cổ phần Lâm sản 19, công tác kế toán quản trị chi phí cũng còn những tồn tại, bất cập, do vậy, việc hoàn thiện công tác này là yêu cầu quan trọng hiện nay.
Thực trạng công tác kế toán quản trị chi phí sản xuất tại Công ty Cổ phần Lâm sản 19
Công tác kế toán quản trị chi phí (KTQTCP) là hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong việc vận dụng các phương pháp khoa học kết hợp với các phương tiện và con người để thu thập, xử lý, phân tích các thông tin về chi phí trong DN phục vụ cho công tác quản trị DN được hiệu quả hơn, đặc biệt là phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh của nhà quản trị (NQT). Nhìn lại công tác KTQTCP tại Công ty Cổ phần (CTCP) Lâm sản 19 có thể thấy một số vấn đề như sau:
Những kết quả đạt được
Về nhu cầu thông tin trong tổ chức KTQTCP của NQT: Nghiên cứu thực tế cho thấy, NQT đã quan tâm đến các nội dung của tổ chức KTQTCP như: phân loại chi phí, lập dự toán chi phí, vận dụng hệ thống định mức chi phí, xác định giá phí, phân tích chi phí, báo cáo KTQTCP. Như vậy, nhu cầu thông tin về tổ chức KTQTCP của NQT bước đầu đã có định hướng rõ ràng.
Nhìn chung, hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản và hệ thống báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Lâm sản 19 đều được tổ chức khá hợp lý, đầy đủ và có tính chất đồng bộ, thống nhất. Chứng từ kế toán đều được kiểm tra trước khi ghi sổ về tính pháp lý, quy mô nghiệp vụ… Các chứng từ về chi phí và giá thành đều được thu thập, quản lý phục vụ cho công tác kế toán quản trị chi phí trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.
Về tổ chức bộ máy kế toán: Hiện nay đã được tổ chức theo cấu trúc trực tuyến chức năng. Theo đó, kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán giữ quyền quyết định trong phạm vi tổ chức của mình và chỉ đạo trực tiếp đến các phần hành kế toán. Nhân viên kế toán được sắp xếp chuyên môn hoá theo các phần hành. Đây là một cấu trúc hợp lý tăng cường trách nhiệm cá nhân, góp phần chuyên môn hoá công việc, giảm thiểu tối đa việc bố trí trùng lắp nhân viên, tăng cường hiệu quả công việc.
Về phân loại chi phí: DN thực hiện phân loại chi phí theo khoản mục chi phí. Đây là cách phân loại chi phí phù hợp với việc xây dựng định mức và lập dự toán chi phí, đồng thời đáp ứng được thông tin của kế toán về các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính.
Về tổ chức vận dụng hệ thống định mức và lập dự toán chi phí: Kết quả khảo sát cho thấy, DN đã xây dựng định mức sát với thực tế công việc, khoa học và phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của DN. Việc xây dựng định mức chi phí giúp các NQT kiểm soát được chi phí phát sinh.
Về tổ chức thu nhận, hệ thống hóa và cung cấp thông tin chi phí: Nhìn chung, hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản và hệ thống báo cáo tài chính đều được tổ chức khá hợp lý, đầy đủ và có tính chất đồng bộ, thống nhất. Chứng từ kế toán đều được kiểm tra trước khi ghi sổ về tính pháp lý, quy mô nghiệp vụ… Các chứng từ về chi phí và giá thành đều được thu thập, quản lý phục vụ cho công tác KTQTCP trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.
Về phân tích chi phí để kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh: DN tiến hành phân tích chi phí nhưng việc phân tích chi phí để ra quyết định kinh doanh trong các DN này chỉ mức độ sử dụng giá thành sản xuất thực tế so sánh với giá bán sản phẩm để xác định tỷ lệ lợi nhuận gộp của từng loại sản phẩm.
Một số tồn tại
Công tác KTQTCP trong bộ máy kế toán: Qua nghiên cứu thực trạng tổ chức công tác KTQTCP tại CTCP Lâm sản 19 có thể thấy, KTQT mới hình thành ở giai đoạn sơ khai và chưa đủ điều kiện để tách riêng thành một bộ phận độc lập và chuyên sâu. Bên cạnh đó, trình độ quản lý, năng lực cán bộ kế toán còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những nhận thức về KTQT còn chưa đầy đủ. Việc phân tích, thiết kế cũng như đánh giá quá trình thiết lập hệ thống thông tin KTQTCP chưa được phân nhiệm rõ ràng...
Về phân loại chi phí, vận dụng hệ thống định mức và lập dự toán chi phí:
- DN không thực hiện việc theo dõi tách biệt chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN theo chi phí cố định và chi phí biến đổi dẫn đến nhiều khó khăn trong việc lập báo cáo bộ phận, khó khăn trong phân tích quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận.
- DN có xây dựng định mức hao phí tuy rằng hệ thống định mức chưa thực sự bao phủ hết các yếu tố chi phí; chưa sử dụng phương pháp ước tính, phương pháp định mức để tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành.
- Việc điều chỉnh định mức dự toán chưa được kịp thời và còn có nhiều yếu tố chi phí trong sản xuất chưa được lập định mức như chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm, điện thoại quản lý phân xưởng, thiệt hại trong sản xuất, thiệt hại trong sản phẩm hỏng...
Về tổ chức thu nhận, hệ thống hóa và cung cấp thông tin cho KTQTCP:
- Hệ thống chứng từ sử dụng cho KTQTCP chưa đầy đủ, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin cho NQT. Vẫn còn tình trạng sử dụng một số chứng từ không theo mẫu quy định như giấy biên nhận về giao nhận hàng hoá, giấy biên nhận trong thanh toán… Vì vậy, chưa phản ánh thực chất nội dung kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kế toán và ghi sổ kế toán.
- Việc hệ thống hóa thông tin KTQT chi phí sản xuất chưa rõ ràng cụ thể, vì vậy ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin cho KTQTCP. Vẫn còn tình trạng chưa cập nhật thông tin chi phí để phân tích kết quả chi phí thực tế so với dự toán để có điều chỉnh kịp thời. Hệ thống sổ KTQTCP sản xuất chưa được quan tâm nên còn thiếu cả về số lượng và các chỉ tiêu trên sổ...
Về hệ thống báo cáo KTQTCP sản xuất: Các báo cáo được lập đơn giản. Hiện nay báo cáo KTQT trong CTCP Lâm sản 19 chưa được thiết lập một cách đầy đủ để phục vụ cho yêu cầu quản trị, thông tin thể hiện trên báo cáo cũng chưa toàn diện, nhìn chung còn sơ sài. Hơn nữa, các báo cáo này cũng chưa được lập thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu kịp thời của thông tin cần cung cấp cho NQT DN.
Công tác phân tích chi phí trong việc đưa ra các quyết định: Từ việc không thực hiện phân loại chi phí theo mức độ hoạt động nên DN cũng không thực hiện việc phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận trong việc ra quyết định sản xuất kinh doanh của mình. Việc phân tích chi phí của DN đã giải quyết việc xác định lợi nhuận gộp của sản phẩn cung cấp.
Giải pháp hoàn thiện
Một là, hoàn thiện xây dựng bộ máy KTQTCP sản xuất: Sau quá trình khảo sát và nghiên cứu tại CTCP Lâm sản 19, theo tác giả nên áp dụng mô hình kết hợp giữa KTTC và KTQT. Việc sử dụng mô hình kết hợp sẽ giúp KTQT tận dụng được thông tin của KTTC tốt hơn, ngoài ra nhân sự của KTTC có thể tận dụng thời gian để làm công việc của KTQT. Với mô hình kết hợp, DN vừa tận dụng được nhân sự của bộ phận KTTC, vừa tận dụng kết hợp thông tin KTTC và KTQT, vì thực tế thông tin KTQT có được dựa vào thông tin KTTC rất nhiều...
Hai là, hoàn thiện về thu thập, xử lý, hệ thống hóa và cung cấp thông tin thực hiện về chi phí sản xuất: Đối với các DN lâm sản, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (NVLTT) và chi phí nhân công trực tiếp (NCTT) chiếm tỷ trọng chủ yếu. Để tăng cường thông tin phục vụ kiểm soát các loại chi phí này dựa trên chi phí định mức, DN cần sử dụng các chứng từ mà thông tin cung cấp trên các loại chứng từ này có thể kiểm tra việc thực hiện các chi phí NVLTT và chi phí NCTT theo các định mức đã lập. Do vậy, nên sử dụng phiếu xuất kho vật tư theo hạn mức để theo dõi số lượng vật liệu xuất kho theo trường hợp lập phiếu xuất 1 lần theo định mức, nhưng xuất kho nhiều lần trong tháng cho bộ phận sử dụng vật liệu theo định mức. Trên phiếu cần bổ sung thông tin tổng định mức chi phí vật liệu cho sản phẩm và tỷ lệ hao hụt cho phép làm căn cứ kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm, kiểm tra việc sử dụng vật liệu theo định mức đã lập. Đối với chi phí NCTT, nên sử dụng phiếu theo dõi NCTT. Phiếu này cần bổ sung những thông tin sản phẩm sản xuất, định mức thời gian quy định cho sản phẩm. Đối với chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, cần lập chứng từ theo dõi chi tiết chi phí đến từng bộ phận, phòng ban, phân xưởng sản xuất nhằm tăng độ chính xác khi phân bổ chi phí.
Về tài khoản kế toán, trên cơ sở các tài khoản cấp 1 theo dõi chi phí của KTTC cần có thêm các tài khoản chi tiết cấp 2 (chi tiết theo đối tượng tập hợp chi phí), cấp 3 (chi tiết theo cách ứng xử chi phí trong biến phí, định phí), cấp 4 (chi tiết theo chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được), cấp 5 (chi tiết theo chi phí định mức, thực tế và chênh lệch)...
Về xây dựng sổ, báo cáo KTQTCP, căn cứ vào yêu cầu quản lý cụ thể của DN, kế toán thiết kế và xây dựng hệ thống sổ kế toán phù hợp theo mục tiêu và đối tượng chi phí để chi tiết theo từng chỉ tiêu cụ thể. Do vậy, cần xây dựng một hệ thống báo cáo KTQT đồng bộ nhằm cung cấp thông tin cho NQT thực hiện các chức năng điều hành và quản lý của mình...
Ba là, hoàn thiện xây dựng phương thức thực hiện những nội dung cơ bản của KTQTCP sản xuất: Khi tiến hành xây dựng định mức chi phí cần phải khảo sát kỹ giá cả và sự biến động của nó trên thị trường trong hiện tại và tương lai gần nhằm giảm thiểu sự sai lệch giữa thực tế và định mức xuống mức thấp nhất. Ngoài ra, việc xây dựng định mức chi phí phải phù hợp với các yếu tố chi phí cần định mức.
Về hoàn thiện phân loại chi phí, để đáp ứng yêu cầu kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả, KTQTCP cần phải tiến hành phân loại chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động của chi phí. Theo cách phân loại này, chi phí sẽ chia thành chi phí biến đổi, chi phí định phí và chi phí hỗn hợp.
Bốn là, hoàn thiện về công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm. Hoàn thiện công tác phân tích chi phí, hiện nay CTCP Lâm sản 19 có quy trình sản xuất phức tạp trải qua nhiều công đoạn, công tác đánh giá hiệu quả chi phí cần được tăng cường và triển khai đến từng công đoạn của quy trình sản xuất.
Đối với từng yếu tố chi phí, tính chênh lệch chi phí để đánh giá tính hiệu quả sử dụng chi phí tại các trung tâm chi phí cho phép DN tìm hiểu rõ nguyên nhân gây biến động chi phí. Hiện nay, CTCP Lâm sản 19 đã phân tích biến động chi phí nguyên vật liệu nhưng cần phân tích biến động chi phí đối với chi phí NCTT và chi phí sản xuất chung. Trong đó, biến động chi phí NCTT giữa thực tế so với định mức gắn liền với 2 nhân tố chính là giá ngày công trực tiếp và số lượng ngày công trực tiếp sử dụng. Trong khi đó, để phân tích chi phí sản xuất chung cần tách chi phí sản xuất chung thành biến phí sản xuất chung và định phí sản xuất chung từ đó thuận tiện cho việc phân tích mang tính đặc trưng của từng loại chi phí.
Tính giá thành sản phẩm, DN phải thay đổi phương pháp tính giá thành giản đơn theo hệ số hiện nay thành phương pháp tính giá thành phân bước theo từng công đoạn sản xuất sản phẩm. Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực tế, tác giả đề nghị áp dụng phương pháp bình quân gia quyền. Theo đó, việc tính giá thành được thực hiện cho từng dòng sản phẩm bao gồm các bước như sau: Kiểm kê số lượng sản phẩm đầu vào; Xác định sản phẩm tương đương đầu ra; Xác định chi phí sản xuất phát sinh; Xác định giá thành đơn vị của số sản phẩm tương đương đầu ra; Xác định tổng giá trị thành phẩm và tổng giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ của từng công đoạn. Tại công đoạn cuối, báo cáo chi phí sản xuất chính là báo cáo tính giá thành cho từng dòng sản phẩm hoàn thành. Từ các báo cáo giá thành của từng dòng sản phẩm, kế toán tổng hợp số liệu để lập Báo cáo giá thành của hai nhóm sản phẩm chính là dòng sản phẩm giữa kỳ này với kỳ trước, giữa kế hoạch với tình hình thực hiện trong kỳ và thông tin giá thành tổng cộng toàn DN để phục vụ công tác quản lý.
Năm là, chú trọng hoàn thiện phân tích chi phí và xử lý thông tin KTQTCP cho việc ra quyết định: Thực tế cho thấy, nếu DN chỉ có một đơn hàng thì việc lựa chọn rất dễ dàng nhưng khi phải lựa chọn một trong nhiều đơn đặt hàng trong điều kiện sản xuất gặp giới hạn là khá khó khăn. Do vậy, việc hoàn thiện phân tích chi phí và xử lý thông tin KTQTCP cho việc ra quyết định của NQT DN là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, các quyết định NQT thường phải lựa chọn đó là:
- Tiếp tục hay chấm dứt một đơn đặt hàng: Quyết định này cần dựa trên Báo cáo kết quả kinh doanh theo đơn hàng. Nếu lợi nhuận bộ phận của đơn hàng lớn hơn không (>0), thì không nên chấm dứt đơn hàng vì nếu chấm dứt đơn hàng đó thì tổng lợi nhuận của DN sẽ giảm đi một lượng đúng bằng lợi nhuận bộ phận của đơn hàng bị chấm dứt.
- Tự sản xuất các chi tiết sản phẩm cho đơn hàng hay mua ngoài: DN cần lập báo cáo chi phí sản xuất cho 2 phương án như: tự sản xuất và mua ngoài, trong đó loại bỏ các chi phí chìm như khấu hao, chi phí chung phân bổ vì những chi phí này luôn tồn tại cho dù DN lựa chọn phương án nào.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp;
3. Trần Thế Nữ (2018), “Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp thương mại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam”;
4. Nguyễn La Soa (2017), “Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí cho tổng công ty xât dựng công trình giao thông 8”;
5. Lê Thị Minh Huệ (2017), “Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.