Hoàn thiện hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững

Theo Nguyễn Phú/Báo Cà Mau

Nhiều tuyến đường huyết mạch, công trình trọng điểm đã và đang tiếp tục được đầu tư mới, nhiều dự án nâng cấp mở rộng được khởi công, nhiều tuyến dân cư từ thành thị đến nông thôn được bê-tông hoá, đang tiếp tục được cứng hoá… Tuy chưa thể như mong mỏi nhưng tất cả đã tạo nên diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông cho mảnh đất cực Nam của Tổ quốc.

Dự án đường tránh nội ô TP Cà Mau đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Nguyễn Phú
Dự án đường tránh nội ô TP Cà Mau đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Nguyễn Phú

Hơn 12.600 tỷ đồng được đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2016-2020, là con số thể hiện rõ nhất nỗ lực của tỉnh Cà Mau. Ðặc biệt hơn, trong số này khoảng 6.000 tỷ từ ngân sách Trung ương, còn lại là nguồn vốn địa phương, vốn huy động từ doanh nghiệp và người dân qua hình thức BOT, BT…

Ðến nay, 100% xã đã có đường ô-tô về trung tâm và 52/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2021 có hơn 300 km đường được đầu tư đưa vào sử dụng là thành quả tiêu biểu cho những nỗ lực kết nối hạ tầng giao thông thời gian qua của tỉnh.

Hạ tầng dần được kết nối

Hầu như ai cũng biết Cà Mau là tỉnh vô cùng khó để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Cái khó này đến từ rất nhiều phía, một phần do điều kiện tự nhiên bị chia cắt bởi hơn 10.000 km sông ngòi, lại xa các nguồn vật liệu nên suất đầu tư cao. Trong khi đó, Cà Mau lại là tỉnh đang phát triển, nguồn thu ngân sách chỉ đảm bảo đáp ứng khoảng 50% nhiệm vụ chi.

Ngoài ra, chính tập quán sinh sống của người dân là phân tán và theo các tuyến sông rạch nên số lượng công trình giao thông có nhu cầu đầu tư lớn.

Khó khăn là vậy nhưng với sự nỗ lực, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Ðến nay, toàn tỉnh có 4.693 tuyến đường các loại với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Các tuyến đường này được kết nối với nhau từ tỉnh đến huyện, xã và đấu nối với 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, tạo thành mạch giao thông liên hoàn phục vụ sản xuất, vận tải hàng hoá và nhu cầu đi lại của người dân.

Tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Năm Căn đi Ðất Mũi, Quốc lộ 63, đường trục chính Ðông - Tây, đường bờ Nam Sông Ðốc, cùng nhiều tuyến đường trục về trung tâm huyện, xã… đã tạo, kết nối, lan toả cả trong phát triển kinh tế cho đến văn hoá - xã hội. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được quan tâm đầu tư như cầu sông Ông Ðốc, cầu Gành Hào; đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi, Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm, U Minh - Khánh Hội… sẽ là động lực và nền tảng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tạo lợi thế trong thu hút dự án đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 7 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 1.063 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư hiện nay là 433, với tổng vốn đăng ký 141.094 tỷ đồng.

Theo đó, để đảm bảo tiến độ các dự án cũng như sớm đưa dự án công trình vào sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra (kể cả kiểm tra các quy trình, hồ sơ, thủ tục…) các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trường hợp công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ thi công thì xem xét thu hồi công trình, dự án theo đúng quy định.

Có thể thấy, trong suốt thời gian qua, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, với giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, thực hiện đa dạng hoá phương thức đầu tư, đã tạo chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì hiện nay vẫn chưa tạo được sự đột phá chiến lược, sự đồng bộ trong kết cấu hạ tầng chưa cao, chưa có sự tác động lan toả mạnh mẽ.

Huy động mọi nguồn lực để đột phá

Trên địa bàn các xã thuộc khu vực TP. Cà Mau vẫn còn nhiều tuyến dân cư chưa có đường, chưa có điện, nhiều hộ dân phải chịu cảnh bùn lầy mỗi khi vào mùa mưa. Mặc dù nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp của tỉnh, nhưng con lộ đấu nối từ Hoà Trung về Hoà Tân còn nhỏ lại được đầu tư khá lâu nay đã xuống cấp.

Ông Phạm Quốc Xê, ấp Gành Hào 1, xã Hoà Tân, cho biết, tuyến lộ này đi qua 4 ấp và 2 xã của vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp của tỉnh, nhưng hiện tại chỉ rộng khoảng 2,5 m. Tải trọng thấp rất khó khăn để người dân vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ nghề nuôi cũng như hàng hoá sản phẩm.

Không chỉ đường nhỏ, xuống cấp do quá cũ… chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, trên địa bàn TP. Cà Mau hiện nay vẫn còn nhiều tuyến, cụm dân cư chưa có đường. Tiêu biểu như tuyến Kênh Lác (ấp Hoà Ðông, xã Hoà Tân) hiện có khu vực dân cư dài khoảng 1 km, với hơn 11 hộ hiện nay vẫn chưa có đường, có điện.

 “Mang tiếng là cư dân sống trên địa bàn thành phố nhưng lại không có đường bê-tông để đi cũng thấy chạnh lòng”, ông Trần Văn Hiệp, ấp Hoà Ðông, bộc bạch.

Là cửa ngõ chính nối huyện Ðầm Dơi với TP.. Cà Mau, tuy nhiên hiện nay tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên tuyến này nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, việc đi lại của bà con vô cùng khó khăn, thường xuyên gây ra tình trạng tắc đường cục bộ, nhất là khi có sự cố giao thông.

Ðiều đáng mừng là tuyến đường này hiện nay đã có dự án nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng, thuộc địa bàn huyện Ðầm Dơi, đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1030/QÐ-UBND, thời gian thực hiện năm 2021-2024. Hiện nay dự án đang triển khai thi công.

Ðoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Hoà Trung, thuộc địa bàn TP. Cà Mau, hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu thi công.

Liên quan đến tải trọng, cũng như quy mô, các tuyến đường giao thông hiện nay, không thể bỏ qua tuyến từ TP.. Cà Mau đi thị trấn Sông Ðốc. Hiện nay có 2 tuyến đường đi và đến thị trấn Sông Ðốc. Cụ thể Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Ðốc quy mô cấp V đồng bằng, mặt đường láng nhựa rộng 5,5 m, tải trọng khai thác 13 tấn và tuyến đường bờ Nam sông Ông Ðốc, quy mô cấp IV đồng bằng, mặt đường láng nhựa rộng 7m, khai thác tải trọng trục 10 tấn.

Hai tuyến đường này được kết nối với nhau bằng Dự án cầu sông Ông Ðốc tại thị trấn Sông Ðốc; công trình đang thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Ðại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nhận định, nhu cầu vận chuyển hàng hoá đường bộ đi và đến thị trấn Sông Ðốc rất lớn, hiện nay đường vận chuyển nhỏ, tải trọng thấp, phải vận chuyển bằng xe tải nhỏ, chi phí cao. Do đó, giải quyết khó khăn trong vận chuyển hàng hoá đường bộ đi và đến thị trấn Sông Ðốc cần có kế hoạch đầu tư đấu nối tuyến đường vận chuyển hàng hoá Sông Ðốc - hòn Ðá Bạc, Khánh Hội với tuyến cao tốc Cà Mau - Cần Thơ đang được triển khai thực hiện, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Tranh thủ nguồn lực, từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu mà tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện. Nỗ lực này thể hiện rõ nhất là sự ra đời Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh.

Theo đó, mục tiêu nghị quyết đề ra là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.