Hoàn thiện hành lang pháp lý của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN
ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với các cam kết về tự do hóa thương mại, tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu một lĩnh vực được xem là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập AEC, bài viết đề xuất một vài khuyến nghị hoàn thiện chính sách về kinh tế và pháp luật nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực AEC.
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào ASEAN
ASEAN là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006 - 2010, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN của nước ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 12%/năm, nhưng đến năm 2016 (sau khi tham gia AEC) lại sụt giảm 4,8%, ước tính kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 17,4 tỷ USD.
Sự sụt giảm này thể hiện rõ nét ở cả hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang các nước ASEAN đạt khoảng gần 2 tỷ USD, giảm khoảng 20% so với năm 2015. Các mặt hàng giảm mạnh nhất đều là những sản phẩm chủ lực: Cao-su (giảm khoảng 40%), gạo (giảm khoảng 48%), hồ tiêu (giảm khoảng 25%), sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm khoảng 19%)...
Đáng chú ý, mặt hàng gạo, ba thị trường trọng điểm ASEAN sụt giảm mạnh về sản lượng so cùng kỳ năm 2015: Philippine (giảm khoảng 65%), Malaysia (giảm khoảng 48%), Singapore (giảm khoảng 30%).
Nhìn tổng thể, tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này nên trong những năm gần đây mức thâm hụt ngày càng thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang ASEAN những năm qua chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng này, hầu hết đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định.
Vì thế, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển, hỗ trợ các ngành sản xuất mũi nhọn, có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu trong AEC như: da giày, dệt may, máy móc, điện tử, hóa chất, chất dẻo, phần mềm và chế biến thực phẩm...
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tham gia các chuỗi cung ứng trong khu vực, thiết lập cơ sở cho các ngành sản xuất có trình độ cao hơn, nâng cao thị phần các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, cần có thêm chính sách đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Từ đó, giảm bớt việc phải nhập khẩu phụ tùng, linh kiện từ nước ngoài; đồng thời, tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm của Việt Nam, từng bước khắc phục tình trạng chỉ thực hiện các hợp đồng gia công cho các nước khác.
Hoàn thiện chính sách về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam
ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với các cam kết về tự do hóa thương mại, tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu một lĩnh vực được xem là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam. Để tăng cường hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào cộng đồng kinh tế ASEAN chú trọng hoàn thiện những nội dung sau:
Thứ nhất, pháp luật hải quan cần quy định cụ thể về mã hóa đối với hàng hóa xuất khẩu. Các địa điểm cảng, kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu… cần được mã hóa đầy đủ, thống nhất. Hiện tại, Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, tuy nhiên vẫn chưa được chi tiết.
Nếu pháp luật không mã hóa các nội dung trên đây, sẽ khó khăn cho các DN xuất khẩu trong việc khai hàng hóa, lựa chọn kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa.
Thứ hai, trình tự, thủ tục khai hải quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các trường hợp khai sai, khai thiếu để việc áp dụng thống nhất, chặt chẽ. Cụ thể, Điều 25, 26, 27 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về khai hải quan; tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan; kiểm tra hải quan, tuy nhiên không có điều luật quy định về việc thủ tục xử lý đối với việc khai sai hồ sơ hải quan.
Trên thực tế, khi DN khai sai, hải quan thường yêu cầu DN hủy tờ khai và khai lại. Khi hủy tờ khai hải quan, các nghĩa vụ tài chính của tờ khai này không được tự động chuyển sang tờ khai mới, vì vậy, DN phải thực hiện lại các thủ tục xuất khẩu, làm mất thời gian của doanh nghiệp.
Đối với những lô hàng xuất khẩu có số thuế xuất khẩu lớn, DN phải nộp thuế cho tờ khai mới, lại mất nhiều thời gian hoàn thuế cho lô hàng khai sai, điều này vừa gây ứ đọng vốn của DN, vừa mất thời gian cho thủ tục hành chính.
Thứ ba, để giúp các DN có thể khai đúng mã hàng, tránh tình trạng khai sai, hoặc lợi dụng sự thiếu sót của pháp luật để thực hiện hành vi gian lận thương mại, pháp luật cần cập nhật nhanh chóng, kịp thời danh mục hàng hóa xuất khẩu và quy định mã số hồ sơ đối với những hàng hóa mới.
Thứ tư, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/6/2016 có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Để giúp cho DN và người dân tiếp cận dễ dàng với các quy định của pháp luật hải quan, cần giảm thiểu số lượng văn bản ban hành.
Những nội dung về thủ tục hành chính có thể dẫn chiếu các quy định của pháp luật chung, không cần phải quy định lại trong các văn bản chuyên ngành về hải quan và xuất khẩu.
Thứ năm, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào các nước ASEAN, cần chú trọng đến các thỏa thuận song phương và đa phương để ưu tiên cho hoạt động xuất khẩu. Đối với những hàng hóa là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, cần có chính sách ưu tiên đàm phán với các nước trong AEC về việc ưu đãi thuế khi hàng xuất khẩu của Việt Nam nhập khẩu vào những nước này.
Đồng thời, phía Việt Nam cũng cần có các quy định ưu đãi về thuế xuất khẩu và giảm thiểu các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, khi xuất khẩu sang các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tóm lại, để hội nhập hiệu quả và tích cực vào AEC, bên cạnh tinh thần chủ động, tích cực chuẩn bị của DN, các ngành, các cấp thì vai trò dẫn dắt của Nhà nước là rất quan trọng.
Nhà nước cần có những chính sách về kinh tế và pháp luật với những quy định cụ thể để tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả và thuận lợi cho DN. Cải cách kinh tế, cải cách thể chế, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật là yêu cầu cấp bách để Việt Nam vươn lên trong AEC.