Hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam
Hệ thống khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đã có những bước hoàn thiện quan trọng thể hiện qua các văn bản pháp luật, nghị định và hướng dẫn liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành, quản lý, và sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD (chỉ sau Singapore), trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh đến từ ngành vận tải và năng lượng.
Cập nhật mới nhất theo báo cáo của FiinRatings cho thấy, 10 tháng năm 2024, Việt Nam có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành với tổng giá trị 6,87 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành 10 tháng năm 2024. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận bao gồm bởi FiinRatings về Khung Trái phiếu Xanh. Mặc dù đây vẫn chỉ là con số khiêm tốn nhưng rõ ràng thị trường trái phiếu xanh đã có phần sôi động hơn so với những năm trước đó.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 152 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó BIDV phát hành khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 217 nghìn USD.
Mới đây nhất, Vietcombank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Khung trái phiếu xanh của Vietcombank được tư vấn bởi Tổ chức quốc tế Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín S&P Global đánh giá rất cao với xếp hạng Medium Green (mức cao thứ hai trong thang sáu bậc theo khung đánh giá Shade of Green của S&P Global), khẳng định chất lượng, sự tuân thủ, tính minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, quản lý giải ngân nguồn tiền từ phát hành, các chế độ về quản trị và báo cáo của Vietcombank. Đợt phát hành trái phiếu xanh trị giá 2.000 tỷ đồng lần này của Vietcombank đã thành công tốt đẹp trong thời gian ngắn, nhận được phản ứng tích cực của các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế uy tín, khẳng định chất lượng và vai trò dẫn đầu của Vietcombank trong lĩnh vực này.
Báo cáo từ WB cho thấy, đến năm 2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh Việt Nam cần phải thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm tức là khoảng 368 tỷ đô la mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng đầu tư này ít nhất một nửa đến từ khối tư nhân vì vậy cần có các cơ chế khuyến khích trái phiếu xanh.
Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu xanh. Theo đó, các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển trái phiếu xanh được thể hiện tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, từ năm 2017, sẽ tập trung vào hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách trong đó có phát triển thị trường trái phiếu xanh để tạo điều kiện cho các chủ thể phát hành huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu thực hiện các dự án xanh.
Nhiệm vụ phát triển sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xanh, trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh, trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) xanh, nhằm tài trợ cho các dự án xanh được thể hiện trong Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), về định hướng trong giai đoạn tới, các nhiệm vụ đối với phát triển công cụ tài chính xanh bao gồm trái phiếu xanh tập trung vào đa dạng hóa các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, phát triển sản phẩm trái phiếu xanh, thị trường trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế bền vững, thể hiện tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Quyết định số 1934/QĐ-BTC ngày 15/8/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 cũng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025 là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phát triển trái phiếu xanh.
Về chính sách ưu đãi hiện nay, việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được hưởng các ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán. Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, khi phát hành trái phiếu xanh, doanh nghiệp được ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán. Các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Theo Thông tư số 101/2021/TT-BTC, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn dược giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết và giá dịch vụ giao dịch, giá dịch vụ đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, giá và giá dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho trái phiếu xanh, đặc biệt tại Điều 150, quy định trái phiếu xanh là công cụ huy động vốn dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường hoặc các dự án mang lại lợi ích môi trường. Quy định này yêu cầu nguồn vốn từ trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích cho các dự án bảo vệ môi trường. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc phát hành trái phiếu xanh, bao gồm mục đích sử dụng vốn, nguyên tắc quản lý nguồn tiền, chế độ công bố thông tin và báo cáo. Ngoài ra, Nghị định này còn đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
Đối với các loại trái phiếu xanh cụ thể, Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng và trình Chính phủ ban hành các quy định chuyên biệt. Chẳng hạn, đối với, trái phiếu chính phủ xanh (TPCP xanh), theo Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy trình phát hành, lưu ký, và niêm yết TPCP xanh được thực hiện theo cơ chế tương tự các công cụ nợ khác của Chính phủ, với nội dung đề án 5/2022/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc phát hành, sử dụng vốn và công bố thông tin liên quan đến TPDN xanh, tạo cơ chế minh bạch và hiệu quả.
Hay như trái phiếu chính quyền địa phương xanh (TPCQĐP), Nghị định số 93/2018/NĐ-CP yêu cầu UBND cấp tỉnh lập danh mục dự án sử dụng nguồn vốn từ TPCQĐP xanh và báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc phát hành phải tuân thủ Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với TPDN xanh, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc phát hành, sử dụng vốn và công bố thông tin liên quan đến TPDN xanh, tạo cơ chế minh bạch và hiệu quả.
Có thể nói, đến nay, hệ thống khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam cơ bản đã có những bước hoàn thiện quan trọng thể hiện qua các văn bản pháp luật, nghị định và hướng dẫn liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành, quản lý, và sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.