Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật Chứng khoán năm 2019) với những quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được kỳ vọng sẽ góp phần tăng khả năng phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán, giúp phát triển thị trường bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Bổ sung các biện pháp xử phạt mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Luật Chứng khoán năm 2019 ra đời tạo ra khung khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy TTCK phát triển bền vững. Đặc biệt, với những quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường, giải quyết được những bất cập trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định cũ, được kỳ vọng góp phần tăng cường công khai, minh bạch đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, Luật Chứng khoán năm 2019 mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với mức độ phát triển mới của thị trường. Tại Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 đã thêm nhiều quy định về hành vị bị cấm như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán; sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2019 mở rộng các đối tượng công bố thông tin như chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng....
Việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm này phù hợp với thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam thời gian qua khi ngày càng nhiều các hoạt động thao túng giá chứng khoán và giao dịch nội gián. Đây là các căn cứ bổ sung để xác định vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và xử phạt.
Bên cạnh đó, các trường hợp không có khoản thu trái pháp luật, hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa được quy định thì áp dụng mức phạt hành chính tối đa đối với tổ chức là 3 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán cũng được Luật Chứng khoán năm 2019 quy định mức xử phạt tối đa (tại Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019).
Để tăng cường tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn TTCK, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung các biện pháp xử phạt mạnh khác như: Cấm những cá nhân vi phạm đảm nhiệm các chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK.
Bổ sung một số quyền cho cơ quan quản lý
Ngoài ra, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng đã quy định về nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, xác minh, chứng minh và xử lý các hành vi lạm dụng thị trường, đặc biệt là thao túng, giao dịch nội bộ. Luật Chứng khoán năm 2019 đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, phân công phân cấp rõ ràng.
Cùng với đó, các cơ chế phối hợp trao đổi thông tin cũng được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả giám sát chung đối với các thành viên thị trường, đồng thời đánh giá sát hơn về hoạt động, thực tế doanh nghiệp, tăng chất lượng giám sát.
Cụ thể, UBCKNN được bổ sung quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra phải cung cấp cho UBCKNN khi có yêu cầu nhằm làm rõ mối liên hệ, dòng tiền của các đối tượng nghi vấn, làm cơ sở xác minh và xử lý vi phạm.
UBCKNN được quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK.
UBCKNN cũng được bổ sung quyền yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi và được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.