Hoàn thiện kiểm soát nội bộ báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT


Kiểm soát nội bộ (KSNB) là toàn bộ các chính sách và thủ tục của đơn vị nhằm bảo vệ tài sản của đơn vị, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý, đảm bảo việc lập báo cáo tài chính trung thực, hợp lý và đảm bảo hiệu năng của các hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

KSNB càng có ý nghĩa quan trọng đối với báo cáo quyết toán nói riêng và các đơn vị thi công công trình cầu đường bộ nói chung. Với ý nghĩa đó, bài viết trình bày những nội dung của KSNB đối với báo cáo quyết toán (BCQT) vốn đầu tư của chủ đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trên cơ sở đánh giá hạn chế và tìm ra các nguyên nhân, tác giả kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện hoạt động kiểm soát nội bộ đối với BCQT vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Giới thiệu

Các đơn vị thi công công trình cầu đường bộ có vai trò là chủ đầu tư trong các hợp đồng BOT. Khi kết thúc dự án BOT, chủ đầu tư thực hiện BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành. BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của dự án/công trình là tài liệu quan trọng và có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn kết thúc đầu tư. BCQT được coi là bản tổng hợp chi phí đầu tư đối với từng công việc cụ thể, từng hạng mục công trình. Với tư cách là một cơ sở dẫn liệu trong chu trình bán hàng – thu tiền, BCQT còn là cơ sở cho phê chuẩn việc bán hàng (theo hợp đồng BOT).

KSNB có 4 mục tiêu quan trọng gồm: Bảo vệ tài sản của đơn vị; Đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý; Đảm bảo việc lập báo cáo tài chính trung thực, hợp lý và đảm bảo hiệu quả, hiệu năng của các hoạt động. KSNB đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành không chỉ đảm bảo cho việc bán một sản phẩm xây lắp có chất lượng, mà còn làm cơ sở đánh giá hiệu quả của quá trình kinh doanh (lãi hay lỗ). Quan trọng hơn, KSNB đánh giá chính xác tính tuân thủ các quy định pháp lý và xác định cơ cấu chi phí giá thành (giá vốn) của sản phẩm xây lắp.

Tuy nhiên, nếu xét trên cả 4 mục tiêu của KSNB, BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của đơn vị chủ đầu tư theo hợp đồng BOT thường khó thỏa mãn cả 4 mục tiêu này. Trên thực tế khảo sát của tác giả nhiều năm qua cho thấy, ngay cả khi BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành được thẩm định bởi cơ quan nhà nước chuyên trách, được kiểm toán xong bởi các hãng kiểm toán danh tiếng trên thế giới thì vẫn tồn tại những rủi ro nhất định. Về lý thuyết, đó chính là những hạn chế cố hữu của KSNB.

Tổng quan nghiên cứu

Tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều đơn vị thuộc các thành phần kinh tế có thể thi công cầu đường bộ chất lượng cao, công nghệ hiện đại. Qua khảo sát thực tiễn có thể đề cập tới một số xu hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, một số đơn vị quy mô nhỏ, thường phát triển dịch vụ hỗ trợ, làm thầu phụ cho các nhà thầu chính; Thi công các dự án nhỏ như duy tu, bảo dưỡng cầu đường bộ, thi công đường và cầu nhỏ khu vực nông thôn…

Thứ hai, đơn vị quy mô trung bình, năng lực kinh nghiệm và vốn trung bình thường tập trung cung cấp các sản phẩm chuyên biệt, đặc thù. Họ cũng là nhà thầu phụ quan trọng trong các dự án lớn.

Thứ ba, đơn vị quy mô lớn, hoạt động lâu năm, hoặc mới thành lập nhưng có lượng vốn lớn… với lợi thế được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, sự ủng hộ tài chính từ giới ngân hàng, họ có khả năng làm tổng thầu các dự án lớn và quan trọng của quốc gia từ những việc như quản lý dự án, thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị. Đây là lực lượng chính trong vai trò nhà đầu tư các dự án BOT và BT.

Thứ tư, đơn vị thi công có vốn đầu tư nước ngoài có thế mạnh đặc biệt về quản lý, về công nghệ xây dựng và kỹ thuật xây lắp tiên tiến. Họ vừa là tổng thầu, thầu phụ, vừa là chủ đầu tư, đối tác thân thiết của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Từ thực tế của các đơn vị thi công công trình cầu đường bộ tại Việt Nam hiện nay, tác giả thực hiện khảo sát trên 30 DN xây dựng cầu đường có trụ sở tại Hà Nội, thuộc nhóm đơn vị quy mô lớn. Cách thức khảo sát được vận dụng bao gồm: Tìm hiểu tài liệu; Phỏng vấn giám đốc dự án, các đơn vị liên quan chủ đầu tư; Điều tra, tính toán lại; Phân tích và tổng hợp kết quả.

Qua khảo sát, cho thấy, đa số các dự án BOT của các đơn vị này đều thực hiện chung một quy trình pháp luật quy định về KSNB. Một số nội dung của KSNB đối với BCQT dự án hoàn thành có kết quả tương tự nhau ở các đơn vị... Trong khi đó, số lượng các tài liệu liên quan báo cáo và các BCQT vốn đầu tư hoàn thành rất nhiều; thời gian nghiên cứu và sự hiểu biết về kỹ thuật xây dựng của tác giả cũng còn hạn chế.

Do vậy, để nhận diện thực trạng KSNB đối với BCQT vốn đầu tư hoàn thành, tác giả lựa chọn khảo sát KSNB cụ thể và chi tiết tại Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà. Đây là dự án theo hình thức Hợp đồng BOT – gói thầu số 4 của Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Vietinbank, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư Vietin và Doanh nghiệp dự án là CTCP Đầu tư Đèo Cả.

Dự án này khởi công từ ngày 01/7/2013 và nghiệm thu hoàn thành ngày 10/8/2017. Giá trị dự toán gói thầu được duyệt (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định số 341/2018/QĐ-ĐC ngày 16/5/2018 của CTCP Đầu tư Đèo Cả là 501.858.859.718 đồng. Trong khi đó, về giá trị hợp đồng gói thầu, theo phụ lục Hợp đồng số 18-04/2013/PL HĐTCXL-ĐC ngày 01/11/2017 giữa CTCP Đầu tư Đèo Cả và Liên danh nhà thầu CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 và CTCP Đầu tư và Xây dựng cầu đường số 18.6 là 492.081.384.000 đồng.

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả, tổng hợp, phân tích để trình bày các nội dung lý luận và thực tiễn; Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp; điều tra để tổng kết kinh nghiệm. Các phương pháp trên được sử dụng kết hợp nhằm mục đích xem xét, đánh giá các vấn đề về đối tượng nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, tác giả đánh giá một số ưu điểm và nhược điểm trong việc vận dụng KSNB trong BCQT vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT như sau:

Về ưu điểm: Đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của các đơn vị thi công công trình cầu đường bộ có trụ sở tại Hà Nội trong quá trình tham gia hợp đồng BOT thì cơ bản thực hiện khá đầy đủ hầu hết các nội dung của KSNB. Đặc biệt, nhờ việc vận dụng KSNB, quá trình vận hành và thiết kế các chính sách và thủ tục đối với bản thiết kế dự toán đã tập trung sâu vào nội dung nhận diện và đánh giá rủi ro, thậm chí đã xác định và tìm được rủi ro. Việc xem xét thận trọng những vấn đề BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành giúp chủ đầu tư chủ động trong phương án thu hồi vốn (doanh thu), đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, việc này cũng giúp chủ đầu tư nhận thức được rủi ro để nhanh chóng có giải pháp khắc phục, tránh dẫn đến mất uy tín trên thị trường.

Về nhược điểm: Quá trình đánh giá rủi ro dựa vào trực giác, vào văn bản quy định mà chưa bám sát diễn biến thị trường, dẫn đến rủi ro về đơn giá. Thực tế, các hoạt động kiểm soát có nhưng hoạt động kém hiệu quả ở một số nội dung của BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành, việc kiểm soát có lúc buông lỏng dẫn đến thực hiện lập dự toán – quyết toán không đúng tiến độ, không đúng khối lượng so với bản vẽ thiết kế kỹ thuật nên không đảm bảo chất lượng thiết kế dự toán chi phí đầu tư...

Chi phí cho công tác thiết kế dự toán, chi phí thi công lắp đặt, chi phí quản lý nhiều dự án chưa đầy đủ dẫn đến thiếu thông tin tin cậy để lập và thẩm định BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành. Quá trình giám sát, người có thẩm quyền giám sát đôi khi buông lỏng, cả nể dẫn đến các thủ tục kiểm soát chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, những ưu điểm và nhược điểm trong việc vận dụng KSNB trong BCQT vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại các DN xây dựng cầu đường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:

- Cơ sở lập thiết kế dự toán hay thay đổi, đôi khi trở nên lạc hậu khiến bản thiết kế dự toán không phản ánh đúng giá trị thị trường của sản phẩm công trình. Thời gian từ thiết kế đến khi hoàn công lập BCQT vốn đầu tư dài thường vài năm làm cho tài liệu phục vụ quyết toán không đầy đủ do thất lạc... Vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả các nội dung của KSNB đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành.

- Nhân sự thiếu kinh nghiệm, lãnh đạo DN chưa quan tâm, sâu sát, quá chú trọng vào hiệu quả dẫn tới lỏng lẻo trong tuân thủ, làm giảm thiểu tính kinh tế và tính hiệu lực của KSNB. Vấn đề này ảnh hưởng đến môi trường kiểm soát, quy trình đánh giá rủi ro của KSNB.

- Các quy định quản lý chi phí đầu tư hay thay đổi, làm ảnh hưởng tới việc lập thiết kế dự toán theo quy định mới, thẩm định lại thiết kế dự toán theo quy định cũ gặp khó khăn.

- Những thay đổi của pháp luật có liên quan trong hợp đồng BOT có ảnh hưởng đến môi trường kiểm soát và sự giám sát của người có thẩm quyền.

Giải pháp hoàn thiện kiểm soát nội bộ đối với báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng

Để hoàn thiện KSNB đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của các đơn vị thi công công trình cầu đường bộ, cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đơn vị/nhà thầu phải cân nhắc giữa chất lượng, tính kinh tế và hiệu quả của công trình để lựa chọn phương án dự toán dự thầu/dự toán đề xuất trên cơ sở dự toán của chủ đầu tư hoặc thay đổi bằng một dự toán mới.

Thứ hai, nhân sự tham gia vào quá trình lập, thẩm định, bảo vệ và phê duyệt thiết kế dự toán và BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành phải được đào tạo liên tục cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Tổ chức bộ máy nhân sự của nhà đầu tư cần phải linh hoạt để phù hợp với các thay đổi của cơ chế chính sách. Nhà thầu và chủ đầu tư cũng cần phải chủ động thiết kế các hoạt động kiểm soát, các hoạt động giám sát và cơ chế xử lý thông tin của hệ thống kế toán nhằm đảm bảo sự vận hành hữu hiệu của KSNB đối với bản thiết kế dự toán.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ cho việc lập BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành, chẳng hạn như: Công tác thí nghiệm vật liệu, công nghệ đo đạc nghiệm thu....

Thứ năm, chủ đầu tư cần chú trọng nguyên tắc giao dịch với khách hàng phải đảm bảo uy tín, tiến độ, chất lượng của sản phẩm trên cơ sở hợp đồng kinh tế có bảo hiểm để dự phòng rủi ro, đồng thời cải thiện môi trường kiểm soát đối với bản thiết kế dự toán dự án/công trình.

Kết luận

Hoàn thiện KSNB đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành thực chất là hoàn thiện các chính sách và thủ tục đối với BCQT vốn đầu tư xây dựng hoàn thành nhằm tuân thủ quy định pháp lý, đảm bảo tính trung thực, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đầu tư. Từ đó, giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những sai phạm đối với bản thiết kế dự toán chi phí, góp phần khẳng định đó là một thông tin đáng tin cậy và hợp lý để quá trình đầu tư đạt hiệu quả. 

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2020), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/QH14/2020;

2.Bộ Xây dựng (2013) Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 về việc qui định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý chất lượng công trình xây dựng;

3.Bộ Xây dựng (2013), Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/08/2013 về việc quy định thẩm tra, thẩm duyệt và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;

4.Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước;

5 Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

(*)Hoàng Thanh Hạnh - Khoa Kế toán Kiểm toán – Học viện Chính sách và Phát triển.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2021.