Tổng quan các nghiên cứu về tác động của kiểm soát nội bộ tới chất lượng thông tin kế toán

TS. Hồ Tuấn Vũ, Khoa Kế toán - Trường Đại học Duy Tân/tapchicongthuong.vn

Kiểm soát nội bộ (KSNB) có tác động tích cực đến độ tin cậy của thông tin cung cấp và hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Bài viết đã hệ thống hóa, phân tích và đánh giá các nghiên cứu đã thực hiện có liên quan đến tác động của KSNB tới chất lượng thông tin kế toán, làm cơ sở cho các đánh giá, các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, tình trạng gian lận trong báo cáo tài chính (BCTC) xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, điển hình là các vụ việc của các doanh nghiệp, tập đoàn có tên tuổi như: Enron, WorldCom, Health South, Tyco International, Olympus... gây ra thiệt hại tài chính rất lớn đối với các nhà đầu tư, kéo theo hệ luỵ là sự phá sản của không ít các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Do vậy, vấn đề chất lượng thông tin kế toán đang được quan tâm hàng đầu trong hoạt động quản trị. Tại Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, với mục tiêu đưa lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam tiếp cận gần nhất với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, chất lượng thông tin kế toán cũng ngày càng được chú trọng.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán được nhiều tác giả trong và ngoài nước thực hiện trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kế toán. Bài viết đã khái quát lại các nghiên cứu liên quan đến KSNB, các nghiên cứu liên quan đến chất lượng thông tin kế toán và các nghiên cứu liên quan đến tác động của KSNB tới chất lượng thông tin kế toán.

2. Các nghiên cứu về KSNB

Tổ chức COSO (1992) đã đưa ra khái niệm về KSNB và các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB bao gồm: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát. Trên cơ sở báo cáo COSO năm 1992, Tổ chức COSO (Ủy ban Chống gian lận khi lập Báo cáo tài chính thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu về hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM).

Trong nghiên cứu này, ERM được xây dựng gồm 8 bộ phận bao gồm: Môi trường nội bộ, thiết lập mục tiêu, nhận diện sự kiện, đánh giá rủi ro, đối phó rủi ro, các hoạt động kiểm soát, thông tin truyền thông và giám sát. Trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, các chuẩn mực kiểm toán Hoa Kỳ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng chuyển sang sử dụng báo cáo COSO làm nền tảng đánh giá hệ thống KSNB, bao gồm: SAS 78 (1995); SAS 94 (2001); ISA 315; ISA 265.

Tại Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu về thông tin tài chính minh bạch từ các đối tượng quan tâm ngày càng gia tăng trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi phải có một nền tảng lý thuyết căn bản về KSNB hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc quản lý doanh nghiệp ở nước ta. Tháng 01/1994, Chính phủ đã xây dựng ban hành quy chế về kiểm toán độc lập. Tiếp sau đó, tháng 7/1994, Chính phủ tiếp tục thành lập bộ máy kiểm toán nhà nước trực thuộc Chính phủ.

Tháng 10/1997, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành quy chế kiểm toán nội bộ được áp dụng cho các tổng công ty, tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng được xây dựng và ban hành ngay sau đó. Theo đó, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 400 “Đánh giá rủi ro và KSNB” đã hình thành định nghĩa về hệ thống KSNB. Tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành và chuẩn hoá lại 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế ở Thông tư 214. Trong đó, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 về “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị kiểm toán và môi trường của đơn vị”. Trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 cũng đã xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước phải xây dựng, duy trì hoạt động hệ thống KSNB thích hợp và có hiệu quả.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, từ năm 1998 đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác KSNB như Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3; Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN, Thông tư số 44/2011/TT-NHNN. Việc nghiên cứu về KSNB ở các trường đại học cũng được rất nhiều tác giả quan tâm, cụ thể: Giáo trình kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007; Giáo trình kiểm toán của Nguyễn Quang Quynh năm 2006; Giáo trình KSNB của Trần Thị Giang Tân năm 2012. Điều 39, Luật Kế toán 2015 đã đưa ra định nghĩa về hệ thống KSNB và yêu cầu các đơn vị phải thiết lập một hệ thống KSNB hữu hiệu để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.

3. Các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán

Trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán và các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán, cụ thể:

Nghiên cứu của Frank Heflin và cộng sự (2000) cho thấy, chất lượng của thông tin kế toán phụ thuộc cơ bản vào các thông tin mà doanh nghiệp sẽ công bố rộng rãi ra công chúng qua hình thức BCTC năm hay quý, hơn là những phân tích chuyên sâu của chính các nhà quản lý doanh nghiệp.

Lee & ctg (2002) đã nghiên cứu về phương pháp luận gọi là AIMQ, để xây dựng cơ cở cho việc đánh giá và nâng cao chất lượng thông tin. Nghiên cứu này đã cung cấp một hệ thống hóa cơ sở lý luận về chất lượng thông tin, làm nền tảng phương pháp luận cho nghiên cứu trong việc biện luận để xác định các thang đo, phương pháp đánh giá và nâng cao chất lượng thông tin nói chung và thông tin kế toán nói riêng.

Nghiên cứu của Xu & ctg (2003) cung cấp nền tảng cơ sở lý thuyết về khái niệm và thang đo lường chất lượng thông tin kế toán. Qua phương pháp nghiên cứu định tính, tác giả đã khám phá ra một số nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán, bao gồm các nhân tố bên trong như: Yếu tố con người và hệ thống (sự tương tác giữa con người với hệ thống máy tính, giáo dục và nâng cao trình độ nhân viên, nâng cấp hệ thống), các vấn đề liên quan đến tổ chức (cơ cấu tổ chức, văn hóa tổ chức, các chính sách và chuẩn mực); Yếu tố bên ngoài (kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa các tổ chức và giữa các quốc gia, sự phát triển công nghệ, thay đổi các quy định pháp lý).

Abdallah (2013) đã xác định sự ảnh hưởng của yếu tố hệ thống thông tin kế toán đến chất lượng của BCTC nộp cho cơ quan thuế. Nghiên cứu của Komala (2012) cũng đã kiểm định được yếu tố chất lượng hệ thống thông tin kế toán có tác động đến chất lượng của thông tin kế toán. Tương tự như Komala (2012), Rapina (2014) đã xác định thêm một số yếu tố như cam kết của ban quản trị, văn hóa công ty và cơ cấu tổ chức tác động đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán. Các yếu tố này tác động đến chất lượng thông tin kế toán.

Zhang Yuemei và Li Yanxi (2008) nghiên cứu về mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và chất lượng thông tin công bố của các công ty niêm yết, đưa ra kết luận có mối quan hệ chặt chẽ giữa chất lượng thông tin công bố với số lượng các nhà lãnh đạo độc lập trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, với hệ thống quản trị doanh nghiệp và với chế độ ưu đãi của doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Bích Liên (2012) đã cung cấp tổng quan về hệ thống lý luận liên quan đến chất lượng thông tin kế toán, đã xác định và kiểm định được các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán cho doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng ERP.

Phan Minh Nguyệt (2014) đã tổng kết được cơ sở lý thuyết liên quan đến chất lượng thông tin kế toán, xác định và đo lường được các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán trình bày trên BCTC cho các công ty niêm yết ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Hồng Nga (2014) đã tổng hợp được lý thuyết liên quan khái niệm về chất lượng thông tin kế toán và thang đo đo lường chất lượng thông tin kế toán. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã kiểm định được một số nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán.

4. Các nghiên cứu tác động của KSNB tới chất lượng thông tin kế toán

Đã có nhiều tác giả nghiên cứu tác động của KSNB tới các hoạt động, cụ thể: Các nghiên cứu của các tác giả như: Merchant, K.A (1985); Anthonny, R.N và Dearden, J.Bedford (1989); Laura F.Spira và Micheal Page (2002); Yuan Li, Yi Liu, Younggbin Zhao (2006) đều cho thấy KSNB có mối quan hệ với công tác quản trị doanh nghiệp. Tác giả Mawanda, (2008) đã chứng minh có mối quan hệ giữa hệ thống KSNB và hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Tác giả William & Kwasi, (2013), khi thực hiện nghiên cứu về tính hiệu quả của hệ thống KSNB ở các ngân hàng khu vực phía Đông của Ghana đã đưa ra kết luận: Hệ thống KSNB hỗ trợ nhà quản lý trong việc đạt được các mục tiêu của đơn vị mình.

Một số công trình nghiên cứu cũng đề cập đến mối quan hệ giữa KSNB và kiểm toán nội bộ, điển hình là tác giả Victor Z.Brink và Herbert Witt (1941). Các tác giả Karagiogos, Drogalas, Dimou, (2014) cho thấy, ở các ngân hàng đã tồn tại và thành công thì tất cả các thành phần của KSNB đóng góp vai trò rất quan trọng trong hiệu quả của kiểm toán nội bộ. Tác giả Hà Xuân Thạch & Nguyễn Thị Mai Sang (2016) trong nghiên cứu của mình về xác định ảnh hưởng của các thành phần trong hệ thống KSNB tới chất lượng kiểm soát rủi ro trong các công ty xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Tuấn & Đường Nguyễn Hưng (2015) trong nghiên cứu của mình đã đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát. Các chỉ số được nhóm tác giả đo lường hiệu quả hoạt động và rủi ro của các ngân hàng thương mại bao gồm: ROA và chỉ số Z-Score.

Các tác giả Ge & McVay, (2005) đã chỉ ra những điểm yếu trong hệ thống KSNB có ảnh hưởng đến giá trị của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các tác giả Shenkir & Walker, (2006) trong nghiên cứu của mình cho thấy có thể thực hiện hiệu quả đạo luật SOX, hệ thống KSNB của doanh nghiệp phải bao gồm đầy đủ các yếu tố, dựa trên phân tích toàn diện các rủi ro của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu này còn cho thấy các công ty sẽ thu được ít lợi nhuận hơn các công ty khác khi công ty đó có nhiều nhược điểm về KSNB.

Tác giả Doyle, (2005) đã chứng minh các doanh nghiệp sẽ có doanh thu thấp hơn nếu có yếu kém về KSNB. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, khi hệ thống KSNB yếu kém sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khi BCTC của doanh nghiệp được công bố thông qua phản ứng của thị trường. Theo Hammersley (2007), khi thực hiện khảo sát thực nghiệm đối với 102 công ty (báo cáo có các điểm yếu trong hệ thống KSNB) nhận thấy có sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường đối với các công ty này. Tác giả cũng cho biết hệ thống KSNB yếu kém là nguyên nhân của sự sụt giảm thị giá cổ phiếu doanh nghiệp.

KSNB là công cụ hữu ích trong việc tạo ra BCTC chất lượng và các công ty sử dụng KSNB tự nguyện cho mục đích công bố thông tin tài chính. Nghiên cứu của tác giả J.Altamuro, (2010), khi điều tra ảnh hưởng của các thủ tục KSNB đối với việc lập BCTC của FDICIA trong thập niên 1990 cho biết chất lượng BCTC trong lĩnh vực ngân hàng được gia tăng khi các đơn vị được tăng cường công tác KSNB để giám sát việc lập BCTC. Theo tác giả Angella.A, (2009), những gian lận trong việc lập BCTC và những vụ bê bối kế toán ở tất cả các quốc gia thường liên quan đến tổ chức KSNB.

Trong tổ chức KSNB, ban giám đốc là một thành phần quan trọng của bộ máy KSNB và công tác KSNB trong doanh nghiệp. Tác giả N.Klai, (2011) cho biết có mối quan hệ giữa đặc điểm của ban giám đốc của công ty niêm yết và chất lượng thông tin kế toán tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi ban giám đốc công ty thực hiện hoạt động kiểm soát tốt sẽ cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho những người quan tâm. Theo tác giả DeFond (1991), có mối liên hệ giữa chất lượng thông tin BCTC và bộ phận kiểm toán nội bộ của các công ty niêm yết, một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống KSNB.

5. Kết luận

Nâng cao chất lượng thông tin kế toán nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý ngày càng cao của nhà quản trị, đồng thời làm lành mạnh hóa chất lượng thông tin công bố cho các bên liên quan là nhu cầu bức thiết hiện nay của tất các đơn vị. Việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán nhằm phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kế toán được nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.

Trong rất nhiều yếu tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán, KSNB là một yếu tố quan trọng. Bài viết giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quan các nghiên cứu về KSNB, chất lượng thông tin kế toán, tác động của KSNB tới chất lượng thông tin kế toán. Đây là cơ sở tổng quan giúp cho các nhà nghiên cứu có căn cứ để xây dựng các mô hình nghiên cứu thực tiễn và định hình các hướng nghiên cứu của mình trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ môn Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, (2014). Giáo trình kiểm toán. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh tế.
  2. Bộ Tài Chính, (2012). Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012, chuẩn mực kiểm toán số 315.
  3. Nguyễn Bích Liên, (2012). Xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng chất lượng TTKT trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại các doanh nghiệp Việt Nam. Luận án tiến sĩ Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Hà Xuân Thạch và Nguyễn Thị Mai Trang, (2016). Nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố thuộc hệ thống KSNB đến chất lượng kiểm soát rủi ro trong các công ty xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị quốc tế về kế toán và tài chính 2016.
  5. Hồ Tuấn Vũ, (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2011). Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  7. Nguyễn Anh Phong & Hà Tôn Trung Hạnh, (2010). Nâng cao hiệu quả hoạt động KSNB của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển kinh tế, 10, 41-48.
  8. Đậu Thị Kim Thoa. (2012). Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam theo định hướng tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế. Luận văn thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  9. Nguyễn Tuấn & Đường Nguyễn Hưng, (2015). Tổng quan lý thuyết về tác động của KSNB đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, 113, 50-62.
  10. Trần Thị Giang Tân, (2012). Kiểm soát nội bộ, TP. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông.
  11. Ashbaugh-Skaife, H., Collins, D. W., Kinney, W. R., & LaFond, R. (2008). The effect of SOX internal control deficiencies and their remediation on accrual quality. The Accounting Review, 83(1), 217-250.
  12. Calomiris, C. W. & Kahn, C. M. (1991). The Role of demandable debt in structuring optimal bank arrangements. American economic Review, 81(3), 497 -513.
  13. Committee of Sponsoring Organisations of the Treadway Commission (COSO). (1992). Internal control-integrated framework. NY: AICPA.
  14. COSO. (2004). Enterprise Risk Management-Integrate Framework-Excutive Summary Framework, [Online] Avalabile at https://www.coso.org/pages/erm-integratedframework.aspx
  15. Doyle, J., Ge, W., & McVay, S. (2005). Accruals quality and internal control over financial reporting. USA: Utah State University.