Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

TS. Lê Quang Thuận, Nguyễn Thị Nhật Linh

Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý - chiến lược quan trọng và giàu tiềm năng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội dẫn đến xu hướng định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu theo hướng hình thành và phát triển một số trung tâm tài chính mới, khác biệt với những trung tâm tài chính hiện có, Việt Nam hội tụ nhiều cơ hội trở thành trung tâm tài chính mới ở châu Á.

Tổng quan chung về trung tâm tài chính quốc tế

Trong nền kinh tế thị trường, tài chính được coi là huyết mạch, cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế phát triển. Mọi quốc gia đều cần có một hệ thống tài chính để kết nối giữa những người cung cấp vốn và người cần vốn. Trung tâm tài chính được coi là “trái tim” của nền kinh tế, điều tiết dòng vốn cho nền kinh tế thông qua việc thu hút dòng vốn của các định chế tài chính trong nước và nước ngoài để cung cấp, dẫn vốn cho các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế và cho toàn bộ nền kinh tế thông qua hệ thống tài chính.

Lịch sử phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế cho thấy, có nhiều nhân tố chi phối và tạo thuận lợi cho sự phát triển của trung tâm tài chính quốc tế, trong đó bao gồm các điều kiện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, về vị trí địa lý: Trung tâm tài chính là nơi hội tụ các ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn, các trung gian tài chính lớn. Do đó, việc hình thành và phát triển một trung tâm tài chính phải đặt tại khu vực địa lý nơi có kết cấu địa chất ổn định, ít chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan (động đất, sóng thần, bão, lũ lụt...), nơi mà các hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ và năng động nhất, đồng thời là nơi giao thoa của các tuyến đường giao thông, các dòng chảy thương mại, dòng chảy vốn đầu tư.

Thứ hai, về các yếu tố liên quan đến văn hóa (lịch sử, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ…): Một quốc gia hay một thành phố có bề dày lịch sử phong phú, có truyền thống đặc sắc, tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, sự đa dạng và cởi mở về tôn giáo, có sự đa dạng về ngôn ngữ phổ thông, trong đó có sử dụng rộng rãi ngôn ngữ tiếng Anh trong giao tiếp và giao dịch... sẽ có tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Ngược lại, sự kỳ thị về sắc tộc, sự cực đoan về tôn giáo... là rào cản rất lớn đối với việc thu hút các công ty, các doanh nhân và những người lao động chất lượng cao đến đầu tư, kinh doanh và làm việc.

Thứ ba, về độ mở của nền kinh tế và tự do hóa tài chính: Một nền kinh tế hội nhập, có quan hệ thương mại, đầu tư rộng mở với nhiều nền kinh tế khác là điều kiện tiên quyết, thích hợp cho việc hình thành và phát triển một trung tâm tài chính nhằm phát huy vai trò hỗ trợ cho các hoạt động thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, cùng với quan hệ thương mại và đầu tư rộng mở với nhiều nền kinh tế khác nhau thì tự do hóa tài chính là một điều kiện quan trọng cho sự luân chuyển các dòng vốn thông qua trung tâm tài chính. Tự do hóa tài chính bao gồm tự do hóa tài chính trong nước và tự do hóa tài chính với nước ngoài. Bản chất của tự do hóa tài chính là hoạt động tài chính theo cơ chế nội tại vốn có của thị trường và chuyển vai trò điều tiết tài chính từ chính phủ sang thị trường, mục tiêu là tìm ra sự phối hợp có hiệu quả giữa nhà nước và thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội.

Thứ tư, về khung thể chế, pháp luật: Các nhà đầu tư quốc tế luôn tìm kiếm môi trường đầu tư với luật pháp rõ ràng với việc thực thi có thể dự đoán được. Do đó, để hình thành và phát triển trung tâm tài chính đòi hỏi phải thiết lập khung thể chế, pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật của thị trường, có tính ổn định, minh bạch.

Thứ năm, về hệ thống kết cấu hạ tầng: Trung tâm tài chính là trái tim của nền kinh tế quốc gia, là nơi hội tụ của các nhà đầu tư quốc tế, các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại. Do đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, dễ tiếp cận với chi phí thấp là điều kiện vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của trung tâm tài chính. Các nhà đầu tư quốc tế luôn bị hấp dẫn bởi những thị trường nơi họ có thể hoàn tất giao dịch một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Thứ sáu, về ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô: Các nhà đầu tư quốc tế luôn tìm kiếm môi trường đầu tư an toàn nhất, chi phí thấp nhất để tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư. Do đó, các quốc gia có sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực là những yếu tố vô cùng hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Ngược lại, các nhà đầu tư quốc tế luôn tránh xa các quốc gia bất ổn về chính trị, mất an ninh trật tự xã hội, kinh tế vĩ mô bất ổn.

Để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Việt Nam có cơ hội và tiềm năng trong khả năng cạnh tranh trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới trong khu vực châu Á, xét trên các điều kiện hiện tại và xu hướng phát triển. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động, có quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người với tỷ lệ dân số trẻ khá cao. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ tài chính thích ứng với những yêu cầu của bối cảnh mới.

Trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam thì TP. Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển trở thành Trung tâm Tài chính khu vực. TP. Hồ Chí Minh không chỉ là thành phố lớn nhất tại Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa mà còn là đầu tàu về kinh tế, là trung tâm văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. Về vị trí địa lý, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với XXI trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây được xem là lợi thế "riêng và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm này nghỉ giao dịch.

Nhờ điều kiện tự nhiên, TP. Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Trên phương diện giao thương quốc tế, TP. Hồ Chí Minh nằm trên trục giao thông hàng không và hàng hải của vùng Thái Bình Dương và được xem là trung tâm điểm không lưu trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh như Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, có những đột phá, vượt trội về thể chế.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hành chính cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng các quyền sở hữu tài sản, quyền định đoạt, chuyển nhượng, giao dịch tài sản, tài nguyên, trí tuệ, sản phẩm sở hữu, quyền khai thác, sử dụng các nguồn lực của nhà nước, của chung xã hội đối với các chủ thể trong nền kinh tế đảm bảo cho các hoạt động kinh tế được vận hành, thực hiện theo đúng nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo dẫn dắt của nhu cầu thị trường và xã hội. Chú trọng sửa đổi, bổ sung luật hóa cụ thể, rõ ràng quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể, các bên liên quan trong thực hiện giải quyết tranh chấp, giải quyết vi phạm pháp luật trong các hoạt động kinh tế.

Ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh nhanh hệ thống luật để phát triển thị trường các yếu tố đầu vào cho sản xuất theo nguyên tắc lấy cơ chế cạnh tranh bình đẳng và nhu cầu của thị trường để vận hành thị trường và quản lý sử dụng nguồn lực, yếu tố đầu vào cho sản xuất. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên, công nghệ, sở hữu trí tuệ, lao động và pháp luật về quản lý, sử dụng các nguồn lực, tài sản thuộc nhà nước sở hữu.

Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật đối với phát triển thị trường các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, đào tạo, y tế, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, môi trường...). Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan để quản lý, vận hành thị trường các dịch vụ xã hội cơ bản tuân thủ các nguyên tắc, cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường hội nhập. Chú trọng hoàn thiện môi trường thể chế pháp luật bình đẳng, cạnh tranh nhất là về đầu tư của nhà nước đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản và tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản theo cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh nhất là về giá cả thị trường.

Hoàn thiện pháp luật về hoạt động của các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính và thị trường lao động. Đối với thị trường tài chính: Bổ sung, hoàn thiện pháp luật về giao dịch, hoạt động của thị trường tiền tệ, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn và lợi ích hợp pháp của các thành phần, chủ thể tham gia thị trường. Xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với các loại thị trường tài chính phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và lộ trình cam kết hội nhập mở cửa thị trường của Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng lộ trình tự do hóa tài chính hợp lý, đồng bộ với khung thể chế, chính sách vĩ mô.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và là quốc gia chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, thế chế kinh tế thị trường đang trong quá trình hoàn thiện, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp. Vì vậy, cần lựa chọn phương thức và lộ trình tự do hóa tài chính thích hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo đó, tự do hóa tài chính phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm huy động tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, tự do hóa tài chính cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình hội nhập, phục vụ quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, tự do hóa tài chính phải đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, theo pháp luật giữa các ngân hàng thương mại thuộc khu vực tư nhân, khu vực sở hữu nhà nước và ngân hàng nước ngoài trong các hoạt động tín dụng và cấp vốn. Mặt khác, tự do hóa tài chính phải đi đôi với tăng cường khung khổ thể chế và năng lực quản lý, giám sát của Nhà nước; đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước bằng luật pháp với hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, an toàn, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính và dịch vụ tài chính.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính và dịch vụ tài chính. Theo đó, cần hoàn thiện chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao phù hợp với bối cảnh, yêu cầu của hội nhập quốc tế. Thực hiện phối kết hợp chặt chẽ trong tuyển sinh, đào tạo, sử dụng nhân lực giữa các cơ quan sử dụng nhân lực với các cơ sở đào tạo. Ưu tiên đào tạo, phát triển nhân lực trong một số ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhu cầu sử dụng nhân lực trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi toàn cầu.

Thứ tư, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng.

Việt Nam sớm hoàn thiện công tác quy hoạch, theo đó, cần có quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế. Từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị thông minh.

Thứ năm, quy hoạch, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, phát triển bền vững; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế. Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; ưu tiên đầu tư giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, y tế, giáo dục, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước ở các đô thị lớn.

Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập quốc tế.

Cùng với sự phát triển của mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, quá trình tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu mở ra cơ hội để trên cơ sở lợi thế so sánh, các nước có thể tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế; đồng thời, buộc từng nước phải định hướng lại các lựa chọn mô hình và phương thức phát triển của mình, đặt ra sức ép mới đối với quá trình phát triển của nước ta trong thời gian tới. Việt Nam không thể phát triển nhanh và bền vững nếu chỉ dựa vào các ngành sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu mà cần hiện đại hóa bằng công nghệ mới với các ngành sản xuất truyền thống, đột phá vào những ngành dựa trên công nghệ cao, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ tri thức trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tham gia vào mạng lưới sản xuất và phân phối, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in-3D, Internet vạn vật, an ninh mạng… để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển đổi số. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động.

Thứ tám, phát huy lợi thế về ổn định chính trị của Việt Nam.

Lợi thế về hòa bình và ổn định của Việt Nam là một lợi thế hết sức quan trọng, nhất là đối với sự phát triển của những ngành kinh tế nhạy cảm như tiền tệ, tài chính, dịch vụ tài chính. Vì vậy, cần phát huy và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho đất nước phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao hơn trước những tác động từ bên ngoài.

Thứ chín, kiên định các biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam tục đẩy mạnh cơ cấu lại đồng bộ nền kinh tế theo chiều sâu, phát huy tối đa tiềm năng và sự tham gia của các thành phần kinh tế, đổi mới mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả gia tăng giá trị tổng sản phẩm cho nền kinh tế.

Điều chỉnh cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn tài chính khác cho các hoạt động kinh tế theo hướng khuyến khích, ưu đãi mạnh hơn, tăng tỷ lệ vốn tín dụng trung, dài hạn cho đầu tư sản xuất đặc biệt là sản xuất lớn, hiện đại. Cơ cấu lại các nguồn lực cho phát triển công nghệ, nhân lực, kết cấu hạ tầng, ưu tiên hàng đầu huy động nguồn lực xã hội và ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho phát triển công nghệ, nhân lực, kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp sản xuất và nhu cầu mở rộng, hiện đại hóa sản xuất, đặc biệt là với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, các ngành, sản phẩm được lựa chọn ưu tiên.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng đón đầu, lựa chọn và đi thẳng vào khai thác, sử dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất là thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp thứ tư. Lấy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là một trong những yếu tố cơ bản làm cơ sở để tái cơ cấu kinh tế. Cấu trúc lại hệ thống sản xuất và các ngành kinh tế theo hướng tăng cường liên kết các ngành và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Quang Thuận (2023), Xu hướng dịch chuyển và khả năng hình thành trung tâm tài chính mới ở châu Á, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính;
  2. Mai Thị Phương Thảo (2021), “Cơ hội và thách thức trong việc xây dựng trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh: Bài học kinh nghiệm rút ra từ trung tâm tài chính Singapore và Hồng Kông”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Tháng 4/2021;
  3. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  4. Ahmed Zoromé (2007), “Concept of Offshore Financial Centers: In Search of an Operational Definition”. IMF Working Paper WP/07/87;
  5. Charles P. Kindlebergei (1974), “The Formation of Financial Centers: A Study in Comparative Economic History”, Princeton University, 1974;
  6. Chun Lok Kris Li and Simon Xiaobin Zhao (2018), “The rise of international financial centres in bank-based and market-based financial systems - Banks and Bank Systems”;
  7. The Global Financial Centres Index 33, March 2023.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023