Hoạt động của doanh nghiệp quý I/2015
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 3/2015, cả nước có 5283 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 33,7 nghìn tỷ đồng, giảm 23,4% về số doanh nghiệp và giảm 26,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 6,4 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng Hai. Số lao động của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 68 nghìn người, giảm 24,7%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng giảm so với tháng trước chủ yếu do tháng Ba là tháng sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu kinh doanh, sản xuất mới chưa cao.
Trong tháng, cả nước có 3590 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 138,7% so với tháng trước; 2316 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, giảm 47,2%; 510 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 51,9%.
Trong quý I năm nay, cả nước có 19049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 111,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 4741 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 172,9 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 265 nghìn lao động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của cả nước là 2565 doanh nghiệp, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Nếu phân theo loại hình, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh có 940 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 36,6%); 693 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 27,0%); 546 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 21,3%) và 386 công ty cổ phần (chiếm 15,1%).
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 16175 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 5548 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 10627 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có 94,2% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; có 5684 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,1%), 5489 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33,9%), 2441 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 15,2%) và 2561 công ty cổ phần (chiếm 15,8%).
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay là 5094 doanh nghiệp, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ 3245 doanh nghiệp cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong những tháng đầu năm như sau:
Về đơn đặt hàng sản xuất quý I năm nay so với quý trước, có 27,7% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng cao hơn; 32% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 40,4% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quí II so với quí I khả quan hơn với 52,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 11,7% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,2% số doanh nghiệp có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý I năm nay so với quý trước, có 25% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất cao hơn; 24,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 50,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quí II so với quí I, có 42,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 14% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 43,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Về chi phí sản xuất quý I năm nay so với quý trước, có 33,5% số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 10,7% số doanh nghiệp khẳng định chi phí giảm và 55,8% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng quý II so với quý I, có 28,6% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng; 13% số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất giảm và 58,4% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về giá bán sản phẩm quý I năm nay so với quý trước, có 19,3% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm tăng; 15,3% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 65,5% số doanh nghiệp giữ giá ổn định. Xu hướng quý II so với quý I, có 21% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 8,8% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 70,2% số doanh nghiệp sẽ ổn định giá bán sản phẩm.
Về tồn kho sản phẩm quý I năm nay so với quý trước, có 25,6% số doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho tăng; 29,9% số doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho giảm và 44,5% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý II so với quý I, có 17,4% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 35% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 47,6% số doanh nghiệp sẽ giữ ổn định.
Về tồn kho nguyên vật liệu quý I năm nay so với quý trước, có 22,6% số doanh nghiệp trả lời lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,2% số doanh nghiệp cho là giảm và 49,2% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Xu hướng quý II so với quý I, có 18,2% số doanh nghiệp đánh giá lượng tồn kho nguyên vật liệu sẽ tăng; 31,9% dự báo lượng tồn kho sẽ giảm và 49,9% số doanh nghiệp cho rằng lượng tồn kho nguyên vật liệu sẽ không có sự biến động.