Hoạt động M&A tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý
Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có thể mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kèm theo đó là nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro về pháp lý.
Ngày 21/12/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức hội thảo “Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp” tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch VIAC đánh giá, những năm gần đây, thị trường M&A Việt nam diễn ra sôi động với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực. Ông Vũ Ánh Dương chỉ ra dẫn chứng: Có 4.353 thương vụ M&A được thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2013, với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD.
Tuy vậy, theo ông Dương, nhà đầu tư, doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới vấn đề rủi ro trong các thương vụ M&A, đặc biệt là rủi ro về mặt pháp lý. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới đổ bể thương vụ hoặc các quá trình tranh chấp hay kiện tụng tốn kém sau đó.
Vì thế, ông Vũ Ánh Dương cho rằng nhà đầu tư và doanh nghiệp cần nắm bắt được vấn đề rủi ro, tranh chấp phát sinh cũng như đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp, sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để giảm thiểu chi phí, thời gian...
Chia sẻ quan điểm với ông Vũ Ánh Dương, ông Ho Won Lee - Chủ tịch KCAB cho hay, cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro về mặt pháp lý cũng tăng lên.
Bổ sung các ý kiến trên, ông Heehwan Kwon - Giám đốc KCAB nhấn mạnh: “Khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Chỉ như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A”.
Chỉ ra các rủi ro pháp lý thường gặp trong quá trình M&A, ông Lê Nết, Trọng tài viên VIAC, luật sư điều hành Công ty Luật LNT đã cung cấp một số thông tin và lưu ý cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các giao dịch M&A với các công ty có vốn nhà nước trong tiến trình thoái vốn nhà nước tại các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra dẫn chứng là thương vụ Lavenue Crown liên quan tới khu đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ông Nghĩa cho rằng cần phải lưu ý một số vấn đề về quyền phát triển dự án hoặc quyền sử dụng đất để tránh tranh chấp pháp lý về sau trong các giao dịch M&A với doanh nghiệp nhà nước.
Cũng theo ông Nghĩa, cần xem xét quyền phát triển lô đất nói trên có được giao hợp pháp cho Công ty Lavenue hay không, thông qua việc kiểm tra quá trình cấp phép dự án Lavenue Crown. Tương tự, các vấn đề pháp lý có thể phát sinh như việc mua lại cổ phần liệu có hợp pháp hay không cũng cần soi xét kỹ lưỡng.
Một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo, thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia chính là các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Xuân Hợp – Trọng tài viên, VIAC cho rằng, điều quan trọng là giải quyết tranh chấp một cách “đảm bảo hài hoà, lợi ích hợp lý giữa các bên”. “Sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là giải pháp tốt nhất với nhiều ưu thế nổi trội”, ông Hợp đưa ra khuyến nghị.
Luật sư Đặng Xuân Hợp khẳng định: “Đây là phương thức lựa chọn hữu ích dành cho các doanh nghiệp. Với cách này, doanh nghiệp có thể lựa chọn trọng tài trong nước hoặc quốc tế để giải quyết từng vụ tranh chấp khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn trọng tài trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí một cách đáng kể. Khả năng thi hành và sự ủng hộ của tòa án trong nước cũng là một thuận lợi đối với doanh nghiệp”.
Theo kết quả khảo sát và thống kê thực tế, trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác luôn là lựa chọn số một của các doanh nghiệp khi có phát sinh tranh chấp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.