Hoạt động Marketing lãnh thổ trong thu hút FDI tại Hà Tĩnh

Lê Thị Tịnh, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hà Tĩnh

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bài viết nghiên cứu, xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động marketing lãnh thổ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Hà Tĩnh, từ đó, nêu ra một số tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động marketing địa phương trong thu hút nguồn vốn này của Tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế đã làm cho sự chuyển dịch vốn giữa các quốc gia, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gia tăng. Điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Có nhiều khái niệm khác nhau về marketing lãnh thổ nhưng tựu chung có thể hiểu marketing lãnh thổ là tập hợp các chương trình hành động mà địa phương thực hiện hướng đến việc cải thiện khả năng cạnh tranh của địa phương và phát triển kinh tế.

Thông qua công cụ marketing lãnh thổ, lãnh đạo các địa phương có thể hiểu biết và xác định chính xác những mong đợi hiện tại hay tiềm năng của tổng thể các tác nhân hoạt động trên một vùng lãnh thổ. Trên cơ sở đó, đưa ra các chính sách, biện pháp cần thiết để thu hút FDI nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về vốn và công nghệ từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Hà Tĩnh là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Ở giai đoạn trước, Hà Tĩnh không nổi bật trong việc thu hút FDI, nhưng từ năm 2010 đến nay, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI chảy vào Hà Tĩnh đã đạt top 10 cả nước. Một lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI vào Hà Tĩnh thời gian qua, nhất là Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lên tầm cao mới. Các dự án FDI đã tạo ra việc làm mới, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và có những đóng góp cho ngân sách địa phương. Việc nghiên cứu thực trạng hoạt động cho thấy những vấn đề cần khắc phục trong thu hút FDI tại Hà Tĩnh.

Thực trạng hoạt động marketing lãnh thổ nhằm thu hút FDI tại Hà Tĩnh

Về thiết lập mục tiêu marketing

Tỉnh Hà Tĩnh đã xác định được những dự án có khả năng đăng ký đầu tư. Trong đó, Vũng Áng được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng với hạt nhân là khu liên hợp gang thép, cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương. Hà Tĩnh ưu tiên những dự án đầu tư chất lượng cao vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sau thép, du lịch – dịch vụ… và các quốc gia trọng tâm để thu hút đầu tư là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore.

Chương trình marketing địa phương được phản ánh trong các chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm với kinh phí và danh mục thu hút đầu tư cụ thể. Về thực hiện chương trình, đơn vị làm đầu mối chủ yếu cho hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay là Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư. Về kiểm tra, đánh giá, hằng năm Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư có báo cáo về chương trình nhưng nội dung chủ yếu là tổng kết kết quả thu hút đầu tư của Tỉnh trong năm, chỉ ra một số bất cập và hướng khắc phục cho năm tiếp theo.

Các chính sách, ưu đãi đầu tư và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh

Một là, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND để triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả việc cải cách cũng như kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Theo đó, các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Hà Tĩnh, trong quá trình từ tư vấn ban đầu đến giải quyết các thủ tục hành chính chỉ thông qua một đầu mối duy nhất là bộ phận "một cửa liên thông" đặt tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, đặc biệt là thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, giảm bớt phiền hà, đồng thời đã góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội từ các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Hai là, ưu đãi về thuế, phí.

Các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được thực hiện đầy đủ theo cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, như: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019)…

Ba là, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được chủ đông thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, làm việc giữa Lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần GS Holding...; tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư qua Hội nghị trực tuyến “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào”…

Ngoài ra, Tỉnh có những chính sách, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng và các Khu Công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở chuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng…

Từ năm 2010 đến nay, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI chảy vào Hà Tĩnh đã đạt top 10 cả nước. Một lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI vào Hà Tĩnh thời gian qua, nhất là Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lên tầm cao mới.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong thời gian qua, Tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư, đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; chưa tháo gỡ hết khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông lâm nghiệp, khoa học công nghệ, y tế hiệu quả chưa cao;… Hiện nay, Hà Tĩnh vẫn thiếu quỹ đất sạch để bố trí dự án mời gọi đầu tư; một số chi phí cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn cao hơn một số tỉnh lân cận đã làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư…

Các giải pháp marketing lãnh thổ nhằm thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thời gian tới, nhằm thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư.

Một trong những thành tố của môi trường đầu tư là thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính thông thoáng sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, Hà Tĩnh cần phải coi cải cách hành chính, giảm thời gian và công đoạn trong quá trình giải quyết công việc có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài là yêu cầu quan trọng và thường xuyên của mình.

+ Đổi mới quan điểm về thủ tục hành chính. Các cơ quan nhà nước cần có tư duy sát thực hơn về hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng trước hết đây vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của họ. Trên cơ sở đó, mọi thủ tục hành chính cần hướng vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư - nước ngoài. Các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được thiết kế theo hướng để khi doanh nghiệp thực hiện với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất. Từ điều này sẽ tìm ra nhiều cách sáng tạo thực hiện.

+ Tiếp tục đơn giản hoá các thủ thục hành chính trong việc thẩm định và cấp phép. Cải tiến mạnh mẽ thủ tục cấp giấy phép đầu tư, đơn giản hoá các thủ tục hành chính thực sự theo nguyên tắc liên thông "một cửa", "một đầu mối".

+ Tạo điều kiện cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi được cấp phép triển khai nhanh và sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc triển khai thực hiện dự án bao gồm các thủ tục về cấp đất, giải toả đền bù đất đai, xây dựng công trình, nhập khẩu vật tư thiết bị, đánh giá tác động môi trường... cần đơn giản theo hướng các cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng những quy định của luật pháp có liên quan, theo dõi quá trình xây dựng doanh nghiệp, trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật thì trước hết hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục tình trạng đó, chỉ áp dụng việc xử phạt đối với trường hợp nghiêm trọng hoặc ngoan cố không chịu sửa chữa theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước.

+ Ban hành quy chế về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, cần quy định cụ thể chế độ kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước để chấm dứt sự kiểm tra tuỳ tiện, tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế của doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm được sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và áp dụng các chế tài đối với những vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra và áp dụng các phương thức tiến bộ để vừa bảo đảm thực hiện nghiêm minh luật pháp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, định vị hình ảnh Hà Tĩnh.

Chính quyền tỉnh cần tìm hiểu những đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư của Hà Tĩn; cần chủ động phân tích điểm mạnh và điểm yếu của Hà Tĩnh so với các địa phương khác và quyết định một con đường thực tế để cải thiện hình ảnh đầu tư của Hà Tĩnh trong suy nghĩ của các nhà đầu tư.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm xúc tiến đầu tư.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào một số định hướng sau: Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Tuyên truyền, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư; Vận động xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; Phát triển hợp tác xúc tiến đầu tư.

Giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư: Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2023-2030. Hà Tĩnh cần có chương trình, kế hoạch xúc tiến tổng thể trên cơ sở xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương thức xúc tiến đầu tư; Đảm bảo sự phối hợp giữa các cấp, các đơn vị về xúc tiến đầu tư. Đó là sự phối hợp về xúc tiến đầu tư giữa Hà Tĩnh và Trung ương, giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa các Sở ban ngành của Hà Tĩnh. Hiện tại, có nhiều đơn vị tiến hành xúc tiến đầu tư như Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc các Ban quản lý Khu công nghiệp… Sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư.

+ Các trung tâm xúc tiến đầu tư tổ chức khâu hỗ trợ trong suốt quá trình nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Điều này giúp nhà đầu tư trong các tình huống khó khăn “cố hữu” như vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, điện nước yếu kém.

+ Xem xét khả năng xã hội hóa công tác xúc tiến đầu tư bởi lẽ công tác xúc tiến đầu tư còn mang ý nghĩa tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy về môi trường kinh doanh của Hà Tĩnh trong mắt bạn bè quốc tế.

+ Đa dạng hóa, đa phương hóa các phương thức xúc tiến đầu tư cùng với việc tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư đã vào Hà Tĩnh hoạt động thành công, nhằm tác động trực tiếp tới việc khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cũng như khích lệ các nhà đầu tư mới vào Hà Tĩnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh (2001), Marketing địa phương: chiến lược phát triển vùng, TP. Hồ Chí Minh;
  2. Vũ Trí Dũng và Nguyễn Đức Hải (2011), Marketing lãnh thổ, NXB. Đại học Kinh tế quốc dân;
  3. P.Kotler (2009), Quản trị marketing, NXB. Thống kê.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023