Hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường nào được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ?
Bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều 152 Luật Bảo vệ môi trường quy định các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực môi trường đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong xây dựng và ban hành các nghị quyết/chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thúc đẩy triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Điều 152 Luật Bảo vệ môi trường quy định các hoạt động nghiên cứu
khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ, bao gồm:
- Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thân thiện môi trường.
- Tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường.
- Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan trắc, dự báo các biến đổi môi trường.
- Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.