Hoạt động thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng tại Việt Nam
Với sự phát triển của nền công nghệ thế giới cũng như sự linh hoạt trong cách vận hành kinh doanh của các doanh nghiệp, thương mại điện tử và các mô hình thương mại điện tử (trong đó có Hoạt động thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng - B2C) đang trở thành xu hướng và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ở Việt Nam, thương mại điện tử này có doanh số bán lẻ đạt 10,08 tỷ USD năm 2019 và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Bài viết phân tích sẽ làm rõ thực trạng hoạt động thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng tại Việt Nam, từ đó và đề ra một số khuyến nghị để nâng cao lợi ích và tầm quan trọng của hình thức này.
Mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng
Mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp (DN) và khách hàng (B2C) được hiểu là thương mại giữa các DN và người tiêu dùng liên quan đến việc khách hàng thu thập thông tin, mua các hàng hóa hữu hình (như sách, các sản phẩm tiêu dùng…) hay các sản phẩm thông tin hoặc hàng hóa về nguyên liệu điện tử hoặc nội dung số hóa như phần mềm, sách điện tử và các thông tin, nhận sản phẩm qua mạng điện tử. Các dạng B2C chính ở Việt Nam gồm: website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến và website đấu giá trực tuyến.
Lợi ích số một của thương mại điện tử B2C chính là phạm vi hoạt động. Ngay cả các DN nhỏ hoạt động trong nước cũng có thể bán cho khách hàng. Khi người tiêu dùng mua trực tuyến, DN sẽ giảm thiểu được các chi phí đầu tư xây dựng cửa hàng, quản lý kênh phân phối, thuê nhân viên...
Sự phát triển của thị trường thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng tại Việt Nam
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2019 bao gồm doanh thu tất cả hàng hoá, dịch vụ bán qua kênh thương mại điện tử (trừ các giao dịch liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, trò chơi trực tuyến) đạt 10,08 tỷ USD (Hình 1), chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong cả nước. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng cao, năm 2019 ước tính là 44,8 triệu người, tăng hơn so với năm 2018 và 2015 lần lượt là 5,8 và 14,5 triệu người (Bảng 1).
Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 (từ tháng 2 tới hết tháng 4/2020) kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp như xuất nhập khẩu, du lịch… nhưng doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử B2C của một số DN vẫn tăng từ 20-30%, thậm chí tăng mạnh với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm…
Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng được thể hiện qua một số khía cạnh
- Website DN: Khảo sát năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2020) cho biết, 42% DN đã xây dựng website, tỷ lệ này giảm so với 44% của năm 2018. Nguyên nhân một phần do DN có nhiều kênh hiệu quả để kinh doanh trực tuyến, thay vì chỉ tập trung vào việc kinh doanh trên website. Mặc dù vậy khảo sát cũng chỉ ra đa số DN đã có website đều chú trọng tới việc chăm sóc website của mình: 46% DN cho biết, thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày và 24% cho biết có tần suất cập nhật thông tin hàng tuần.
- Kinh doanh trên mạng xã hội: Xu hướng kinh doanh trên mạng xã hội năm 2019 tăng đều, vì đây là một kênh hiệu quả với chi phí thấp, thu hút sự quan tâm không chỉ các DN nhỏ mà cả những DN lớn muốn xây dựng một kênh cộng đồng và chăm sóc khách hàng thường xuyên. Trong số các DN tham gia khảo sát thì có 39% DN cho biết có bán hàng trên các mạng xã hội (tăng 3% so với năm 2018).
- Tham gia các sàn thương mại điện tử: Năm 2019 đánh dấu sự nổi lên của mô hình kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. Với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị cung cấp sàn, nhà bán hàng giờ đây có nhiều kênh lựa chọn với những chính sách hỗ trợ tốt nhất để kinh doanh đa kênh trên nhiều nền tảng. Theo đó, trong số các DN tham gia khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2020), thì có 17% cho biết có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% so với năm trước và có tỷ lệ cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương có tỷ lệ DN kinh doanh qua sàn thương mại điện tử cao nhất với cùng mức 23%.
Kinh doanh trên nền tảng di động: Người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm của họ từ những phương thức truyền thống sang những trải nghiệm mới tiện dụng hơn và thiết bị di động đã trở nên phổ cập. Tuy nhiên, có thể thấy việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng lại ở các DN lớn với chiến lược kinh doanh tiên tiến và nguồn lực phù hợp. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (2020) chỉ ra, năm 2019 có khoảng 17% DN cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cố định không thay đổi trong nhiều năm trở lại đây (Hình 2).
Các hình thức quảng cáo website và ứng dụng di động: Mạng xã hội tiếp tục là công cụ được sử dụng để DN quảng cáo website/ứng dụng di động nhiều nhất trong năm 2019, 49% DN tham gia khảo sát cho biết có sử dụng mạng xã hội để quảng cáo website/ ứng dụng di động của họ. Tỷ lệ này không đổi so với năm 2018. Các công cụ tiếp theo là công cụ tìm kiếm (33%) và tin nhắn - email (29%). Khảo sát cũng chỉ ra rằng, vẫn còn tới 19% DN tham gia khảo sát chưa tiến hành quảng bá trực tuyến, giảm đôi chút so với năm 2018.
Xét trong nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương thì dẫn đầu về tỷ lệ DN chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn là Hà Nội (22%) và TP. Hồ Chí Minh (20%). Đây là 2 địa phương dẫn đầu cả nước về nhóm chỉ số thành phần giao dịch giữa DN với người tiêu dùng ở các địa phương, cụ thể TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu (89,8 điểm), tiếp đó là Hà Nội (87,5 điểm). Khoảng cách giữa tỉnh/thành dẫn đầu (TP. Hồ Chí Minh) và tỉnh/thành thấp nhất (Bắc Kạn) còn khá xa với 63,9 điểm.
Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được DN đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến với tỷ lệ tương ứng là 44% và 35%.
Một số khuyến nghị
Để cải thiện và nâng cao hiệu quả của thương mại điện tử B2C tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử. Nhà nước cần rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ...
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, trong đó, thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: Đào tạo nâng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật; nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử; hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính; trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công…
Thứ ba, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và hạ tầng logistics trong thương mại điện tử, từ đó giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho DN Việt Nam.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương như:Xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới; Tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa DN sản xuất, DN logistics và DN cung cấp dịch vụ; Chọn lựa một số địa phương đại diện cho mỗi vùng kinh tế trọng điểm và triển khai các đề án hỗ trợ, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các địa phương trên toàn quốc; Thiết lập mô hình trung tâm trực tuyến kết nối với các địa phương để hỗ trợ phân phối sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông thôn…
Thứ năm, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN. Thời gian tới, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số, tập trung vào các DN vừa và nhỏ và các khu vực tụt hậu; triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình DN số đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của từng địa phương…
Thứ sáu, thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ để biến các cơ hội của thương mại điện tử thành hiện thực tại các địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người tiêu dùng ở các địa phương khai thác các lợi ích của mua sắm trực tuyến, Đồng thời, cần có phương án hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cũng như các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, thị trấn, thị xã bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên môi trường trực tuyến.
Tài liệu tham khảo
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2020),Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020;
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2020), Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử 2020;
idea.gov.vn, vecom.vn.