Hoạt động thương mại hàng hóa là điểm sáng trong năm 2021
Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020, ước vượt 13,6% so với chỉ tiêu được giao.
Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 12 ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 335,23 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ, ước vượt 13,6% so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 ước đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu cả năm 2021 ước đạt 332,27 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Tháng 12 ước xuất siêu 1,5 tỷ USD, cả năm 2021 ước xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020.
Bộ Công Thương nhận định, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.
Đơn cử, trong bối cảnh 3 tháng liền (tháng 7,8,9/2021) mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh phía Nam – là những địa phương có chỉ số xuất khẩu cao - gần như bị đóng băng. Các công ty chế biến xuất khẩu các mặt hàng “nhiều tỉ USD” tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên 50% phải đóng cửa, số còn lại hoạt động “3 tại chỗ” nhưng công suất cũng chỉ đạt 30-50%.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày,... dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 có động lực từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp vận dụng hiệu quả. Đơn cử như tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số.
Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ, cứ 2 năm, mốc 100 tỷ USD lại được chinh phục. Nếu năm 2011, số lượng ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên mới là 21 nhóm, trong đó chỉ có dệt may đạt kim ngạch chục tỷ USD (đạt hơn 14 tỷ USD) nhưng mới hết tháng 11 của năm 2021, xuất khẩu có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 7 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như sản xuất, lắp ráp điện thoại, máy vi tính, máy móc…