Huy động vốn và Phát triển cơ sở hạ tầng:
Học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện chính sách
Một trong những giải pháp quan trọng huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng là thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).
Việt Nam cần tham khảo, áp dụng kinh nghiệm, bài học từ các quốc gia khác để có thể điều chỉnh những quy định hiện nay về PPP để có khung pháp lý và tiêu chuẩn tiến tới chuẩn mực quốc tế. Đây là khuyến nghị nêu tại hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, diễn ra trong 2 ngày 16-17/1.
Hội thảo do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, với sự đồng hành của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform).
Phát triển hạ tầng - đột phá chiến lược
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda, hàng năm, có một lượng lớn vốn đầu tư ở châu Á cho phát triển cơ sở hạ tầng. Mỗi nước phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng một cách hợp lý, cũng như tối đa hóa tính hiệu quả của các khoản đầu tư. “Mọi cơ sở hạ tầng mà chúng ta xây dựng đều phải có chất lượng cao và phải được quản lý tốt.
Như vậy mới có thể góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, tăng cường chất lượng các dịch vụ cung cấp cho người dân cũng như bảo đảm khả năng hồi phục, chống chọi cú sốc về lâu dài”, Đại sứ Kunio Umeda chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Chiến lược phát triển KT - XH Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 xác định “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Khâu đột phá này đã được quan tâm đầu tư và có nhiều cải thiện trong thời gian qua. Cụ thể, ở cả 4 lĩnh vực trọng tâm của cơ sở hạ tầng là hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng đô thị lớn đều được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua.
Đơn cử, lĩnh vực hạ tầng giao thông quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước, như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đi Cần Thơ; đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; hoàn thành và đưa vào khai thác trên 1 nghìn kilômét đường cao tốc, các công trình cảng hàng không và các cảng biển quốc tế quan trọng… Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn lực nhà nước, Chính phủ cũng đã quan tâm thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư công - tư (PPP).
Nhiều thách thức
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc Chương trình Aus4Reform, cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về quản trị, huy động vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới. Trong đó, một thách thức nổi lên là quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc tiếp tục duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Áp lực của trần nợ công tăng cao, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình cũng khiến nguồn lực dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng khó khăn hơn. Trong khi đó, “việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn là thách thức lớn đối với các cơ quan của Chính phủ”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua hình thức PPP còn hạn chế. Nguyên nhân, như Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, đó là do: Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tham gia với các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là với đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực thực hiện còn yếu, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh. Đi cùng với đó là việc thực thi chưa bảo đảm yêu cầu về tính chuyên nghiệp cũng như tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, còn một số tồn tại khác như thị trường vốn chưa phát triển, công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế.
Theo Đại sứ Umeda Kunio, trong bối cảnh nhà nước quản lý chặt chẽ các khoản vay nợ để quản lý nợ công thì việc tìm được các phương án tài chính mới để có thể tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, tránh những thách thức có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Một trong các phương thức quan trọng là thông qua hình thức PPP, nhưng theo ông Umeda Kunio, để phát triển hình thức này cần có những cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ với các nhà đầu tư. “Tôi cho rằng, hội thảo này là cơ hội tốt cho Việt Nam khi có thể tham khảo, áp dụng kinh nghiệm, bài học từ các quốc gia khác để có thể chỉnh sửa, điều chỉnh những quy định hiện nay về PPP để có khung pháp lý và tiêu chuẩn tiến tới chuẩn mực quốc tế”, Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai và hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng lớn thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Với cách nhìn nhận như vậy, các ý kiến đóng góp và đề xuất của các chuyên gia, đại diện các tổ chức tại hội thảo này là những nguồn thông tin quan trọng cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và ban hành các chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới.