Học hỏi kinh nghiệm nâng cao năng suất lao động từ Nhật Bản

Hạ Băng

Nhật Bản là quốc gia đã đạt được nhiều thành công trong nâng cao chất lượng lực lượng lao động, thiết lập vị thế cạnh tranh dựa trên năng suất lao động (NSLĐ) mà Việt Nam có thể học hỏi.

 Thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia.
 Thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Giai đoạn từ 1960-1980, Nhật Bản được biết đến là nước có NSLĐ cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện NSLĐ hiệu quả. Đạt được thành tựu này là do Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện NSLĐ gồm: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện; bảo trì năng suất tổng thể và sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, NSLĐ của Nhật Bản sụt giảm đáng kể. Từ một nước đi đầu trong công cuộc tự động hóa, tập trung nâng cao khả năng sản xuất nhưng Nhật Bản lại là nước có năng suất làm việc thấp nhất trong nhóm G7. 

Tốc độ tăng NSLĐ của Nhật Bản đã đình trệ dưới 2% trong suốt 2 thập kỷ qua, khoảng cách tăng trưởng năng suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn.

Cải thiện NSLĐ là một trong những bài toán cấp thiết cần giải quyết và Nhật Bản đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng sụt giảm NSLĐ.

Cụ thể gồm giữ chân lao động lớn tuổi nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2025, đồng thời đưa ra các lựa chọn việc làm cho những người lao động đến tuổi nghỉ hưu, giữ chân lao động lớn tuổi và hỗ trợ lao động tạm thời.

Các công ty tư nhân nỗ lực thực hiện các mô hình việc làm linh hoạt hơn và điều chỉnh các hình thức lao động để thu hút người lao động lớn tuổi ở lại làm việc.

Bên cạnh đó, Nhật Bản hạn chế nguồn cung lao động bằng cách xem xét lại chính sách nhập cư và áp dụng các công nghệ thế hệ mới. Tạo môi trường lao động công bằng cho cả lao động lâu dài và lao động tạm thời; xây dựng các chương trình đào tạo lại nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới của doanh nghiệp; khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn; đưa tự động hóa lên cấp độ cao hơn; triển khai các công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất và tiếp tục hành trình số hóa.

Đồng thời, cải cách hệ thống giáo dục nhằm phát triển tài năng và năng lực dài hạn, để tạo ra một thế hệ lao động mới có kỹ năng giỏi và tư tưởng tiến bộ, từ đó tăng năng suất và tính cạnh tranh; xây dựng kênh kết nối giữa giáo dục và việc làm thực sự; thu hút tất cả các nguồn lực để đào tạo nhân tài, năng lực lãnh đạo và kỹ năng cho tương lai.

Nhật Bản cũng tăng cường văn hóa khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp, công ty thành lập mới, đặc biệt hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ nhằm tạo ra hệ sinh thái cho phép các doanh nghiệp đổi mới và phát triển.

Cùng với đó, thực hiện cải cách định hướng thị trường bằng cách giảm sự can thiệp của Chính phủ vào một số lĩnh vực cụ thể, gỡ bỏ rào cản cho các công ty khởi nghiệp và giảm bảo trợ đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả.
 
Bên cạnh những giải pháp trên, từ năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình cải cách phong cách làm việc, theo đó tổng số giờ làm thêm đã giảm và số ngày nghỉ phép năm mà người lao động sử dụng đã tăng lên.

Thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc từ xa, làm việc tại nhà nhiều hơn và thay đổi cơ cấu tại nơi làm việc, tăng sử dụng lao động là phụ nữ và người nước ngoài.