Học viện Tài chính phải lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có tư duy mới, tầm nhìn mới
GS.TS.NGƯT Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tâm đắc với triết lý giáo dục của Học viện Tài chính là: "Công dân toàn cầu trong thế giới thay đổi" và đề nghị cần cụ thể hóa triết lý này, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và khả thi để thực hiện. Đồng thời, Học viện Tài chính phải linh hoạt, lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra thay đổi mới.
Chiều 18/3/2023, Học viện Tài chính tổ chức Tọa đàm với cựu sinh viên về định hướng phát triển Học viện Tài chính. Dự buổi Tọa đàm, về phía khách mời có GS.TS.NGƯT Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương là các cựu sinh viên Học viện Tài chính qua các thời kỳ.
Về phía Học viện Tài chính có PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; đại diện giảng viên và sinh viên đang công tác và học tập tại Học viện; nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Tài chính qua các thời kỳ.
“Không bao giờ chịu khuất phục, lùi bước trước khó khăn”
Học viện Tài chính, tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính kế toán Trung ương, được thành lập năm 1963. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực tài chính, kế toán, kinh tế, quản trị kinh doanh, tin học tài chính - kế toán và tiếng Anh tài chính - kế toán.
Nhớ lại kỷ niệm 50 năm thành lập Trường, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đã từng chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng khi lần này đã ban hành được Chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045. Do đó, Tọa đàm là dịp để trao đổi, gợi ý cho quá trình tổ chức, triển khai và có những rà soát điều chỉnh bổ sung Chiến lược để phù hợp với yêu cầu.
Chỉ rõ những điểm mạnh của Học viện Tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuyên ngành Tài chính và Kế toán là hai chuyên ngành cốt lõi của trường. Tài chính gắn với xã hội như “mạch máu lưu thông” đến bao công trình; kế toán là môn mang tính kỹ thuật, định lượng.
Bên cạnh đó, Học viện cũng có những thế mạnh rất riêng. Đó là truyền thống, là tinh thần không bao giờ chịu khuất phục, lùi bước trước khó khăn.
"Nếu như trước đây, Trường đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng từ đó hun đúc, rèn luyện cho các thế hệ sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường đến khi ra ngoài xã hội để vươn lên và trong khó khăn, gian khổ lại càng thương yêu nhau nhiều hơn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ động, linh hoạt, lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sứ mệnh của Học viện Tài chính đặt ra là: "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội". Đồng thời, xác định tầm nhìn đến năm 2030, đưa Học viện Tài chính trở thành cơ sở giáo - dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán- Kiểm toán, Quản lý - Quản trị, Công nghệ thông tin, Luật Kinh tế...
Đồng thời, khẳng định vị thế Học viện Tài chính là cơ sở đào tạo danh giá trong nước, thương hiệu và danh tiếng đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế; là cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới và đứng thứ 100 khu vực châu Á trước năm 2045.
Tâm đắc với triết lý giáo dục của Trường là: “Công dân toàn cầu trong thế giới thay đổi”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cụ thể hóa triết lý này trong bối cảnh thế giới không ngừng biến đổi. Theo đó, Học viện Tài chính phải rất chủ động, linh hoạt, lấy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ấn tượng với giá trị cốt lõi: "Chất lượng - Uy tín - Hiệu quả - Chuyên nghiệp và Hiện đại" và slogan “Tài - Tâm – Chính” mà Trường đề ra vừa thể hiện được tính chất nghề nghiệp vừa nói đến phẩm chất.
Về mục tiêu phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định định hướng cụ thể hơn. Mục tiêu Học viện Tài chính trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Với mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định rõ Học viện sẽ thuộc mô hình các trường đại học hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất là rà soát lại hệ sinh thái của Trường trong thời gian tới sẽ như thế nào. Chiến lược phát triển phải hình dung được bối cảnh của Trường trong giai đoạn 5-10 năm nữa để từ đó có giải pháp phát huy mỗi thành tố của hệ sinh này vì sự phát triển chung của Trường. Chẳng hạn, cần làm rõ phát triển thành một đại học sẽ gồm những trường đại học cụ thể nào, viện nào, phân viện, khoa, phòng ban nào.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý trong điều kiện trụ sở gốc có quy mô chật hẹp thì việc thành lập phân viện cũng cần được tính toán. Trong hệ sinh thái của Trường nên chăng nghiên cứu thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ.
“Không chỉ Học viện Tài chính mà mỗi thành viên trong hệ sinh thái của Trường đều phải thực hiện sứ mệnh tầm nhìn giá trị cốt lõi và chiến lược này. Mỗi thành phần trong hệ sinh thái của Trường với chức năng riêng và phải được cụ thể hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Gợi ý thảo luận thêm về ngành nghề đào tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với những ngành đào tạo cũ phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, công nghệ mới, tạo ra thay đổi mới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, giao thoa giữa tài chính và công nghệ thì những bài giảng, bài toán quản trị cũng cần được cập nhật, thay đổi.
"Trong kỷ nguyên số, nhiều nội dung phải thay đổi, công nghệ cho phép thay đổi công nghệ đào tạo, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo. Thời đại thay đổi chúng ta phải thích ứng để từ đó thiết kế ngành nghề chương trình phù hợp với định hướng phát triển", Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện bên cạnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, vừa huy động xã hội hóa, sớm hình thành mạng lưới cựu sinh viên cựu giáo chức của Trường để tạo được sức mạnh tổng hợp, coi đây là một thành viên trong hệ sinh thái của Trường; đồng thời, sớm thành lập Quỹ học bổng của Trường dành cho sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc...
“Trong thời gian tới, bộ chủ quản của Học viện Tài chính cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện cho Học viện để thực hiện được chiến lược phát triển đề ra, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn.
Tập trung thu hút nhân tài, tăng cường nghiên cứu khoa học
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ niềm tự hào là cựu sinh viên của Trường. Thời gian qua, nhiều thế hệ sinh viên, học viên của Trường đã phát triển, đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo ở Trung ương, địa phương.
"Trong 60 năm qua, Học viện Tài chính đã phát triển vượt bậc cả về quy mô bộ máy, số lượng sinh viên và chất lượng đào tạo với nhiều ngành đào tạo thế mạnh hàng đầu như Thuế, Tài chính công, Tài chính doanh nghiệp, Kế toán, Kiểm toán", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn, trong thời gian tới, các cán bộ, lãnh đạo và thầy cô của Học viện Tài chính tập trung thực hiện Chiến lược, trong đó tập trung vào những thế mạnh và có mở rộng phát triển, thêm liên kết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, thời gian tới, Học viện Tài chính tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn đầu tư từ các thiết chế tài chính để phát triển mạnh hơn nữa. Nhà trường chuẩn bị điều kiện đầu tư, xác định quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển.
Cùng với đó, Học viện tập trung thu hút nhân tài, tăng cường nghiên cứu khoa học, nhiều vấn đề mới đặt ra cần có nghiên cứu chính sách áp dụng thực tiễn; xây dựng phân hiệu trường; tiến hành các thủ tục để mở lại phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh để đào tạo nhân lực cho khu vực phía Nam; thành lập ngay quỹ học bổng kịp thời hỗ trợ các học sinh như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính sẽ quan tâm chỉ đạo để Học viện Tài chính phát triển bền vững trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu khu vực và quốc tế.
Cũng tại tọa đàm, báo cáo kết quả hoạt động và định hướng phát triển Học viện Tài chính, PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, với việc luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức quản lý nên chất lượng đào tạo được đảm bảo và ngày một hoàn thiện. Học viện đã trở thành địa chỉ tin cậy, được nhiều thanh niên ưu tú chọn làm nơi tu nghiệp.
“Số sinh viên, học viên của Học viện tốt nghiệp ra trường luôn được nhà tuyển dụng đón nhận và đánh giá cao. Số lượng sinh viên ra trường có việc làm sau tốt nghiệp một năm luôn ở mức trên 98% kể cả những năm ảnh hưởng của dịch COVID-19. Rất nhiều người trong số đó đã trưởng thành, hiện giữ những cương vị và trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Học viện Tài chính, thời gian tới, trước những khó khăn, áp lực sẽ nhiều, song Học viện sẽ kiên trì nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, khai thác và phát huy tối đa tiềm lực cốt lõi trong đào tạo chất lượng cao, trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong môi trường số, môi trường xanh.
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các thế hệ sinh viên trao đổi, chia sẻ nhân dịp trở về Trường, ủng hộ chiến lược phát triển của Trường và cho biết sẽ luôn đồng hành để Học viện Tài chính phát triển đạt mục tiêu đề ra, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà tập thể cán bộ, viên chức Học viện Tài chính, Lãnh đạo Học viện và các nhà giáo lão thành nguyên là lãnh đạo Học viện Tài chính qua các thời kỳ. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đã đến thăm quan khu Dự án mở rộng Học viện Tài chính, thăm phòng Truyền thống của Học viện.