Vĩnh Long: Triển khai chiến dịch phòng chống sâu bệnh cho hoa màu
(Taichinh) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc phòng chống bệnh chổi rồng hiện nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, sau 3 năm phòng chống bệnh chổi rồng, tổng diện tích nhiễm bệnh đã giảm, nhưng diện tích nhiễm bệnh trung bình đến nặng vẫn còn cao. Một số nhà vườn đã đốn nhãn chuyển sang trồng cây khác. Hiện tổng diện tích nhãn nhiễm bệnh là 7.487ha, trong đó có 2.525,9 ha nhiễm nhẹ, 2.717,3ha nhiễm trung bình và 2.243,4ha nhiễm nặng.
Ngoài ra, bệnh chổi rồng trên chôm chôm đã xuất hiện và gây hại nhẹ với tỷ lệ dưới 30% là 9,8 ha chôm chôm đang giai đoạn ra hoa và mang trái tại các xã cù lao huyện Long Hồ. Hiện nay nguồn bệnh tiếp tục lây lan và phát triển, rất cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng và cả cộng động tích cực tham gia chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn.
Mục tiêu chiến dịch nhằm tiếp tục thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch hại và các biện pháp phòng trị có hiệu quả tại các địa phương trồng nhãn tập trung của tỉnh. Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra, hạn chế lây lan sang các đối tượng cây trồng khác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của cây nhãn. Phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu nhãn được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã code đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhãn sang Mỹ.
Để chiến dịch mang lại hiệu quả cao, công tác thông tin tuyên truyền sẽ được đa dạng hóa, phù hợp và có sức thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và nông dân trồng nhãn về tác hại của dịch bệnh, tình hình diễn biến bệnh, các kỹ thuật phòng trừ và quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn theo tài liệu đã in sẵn của Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long.
Tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả về quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn tại các vùng nhãn trọng điểm của tỉnh. Trên cơ sở các mô hình trình diễn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước tập huấn chuyển giao nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh nhằm hạn chế bệnh chổi rồng trên nhãn, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng nhãn trong thời gian tới.