Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư

Thanh Sơn

Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Ảnh Công Minh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Ảnh Công Minh
Địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển
Sáng nay 9/8/2018, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Tiền Giang và là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành.
Tỉnh Tiền Giang là 1 trong 3 địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tốc độ phát triển kinh tế cao (8%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2.356 tỷ đồng, xếp thứ 2 vùng ĐBSCL. Tiền Giang - địa phương nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước.
Tỉnh có cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng như: lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại với sản lượng lớn như: trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước, rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm, đàn gia cầm khoảng 13 triệu con.
Về mặt vị trí địa lý, Tiền Giang có khoảng cách gần TP. Hồ Chí Minh (70 km), đường bộ có QL1A, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường thủy thuân tiện, có đủ các yếu tố hội tụ để trở thành một siêu vệ tinh cho TP. Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, tỉnh có trên 4.800 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm khoảng trên 700 doanh nghiệp; ngoài khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, còn có Tập đoàn Hoàng Quân (HQC) đầu tư KCN Bình Minh, trong đó KCN Tân Hương có tỷ lệ lấp đầy 100%, các KCN hiện hữu còn quỹ đất cho phát triển như KCN Long Giang, KCN Soài Rạp và các cụm công nghiệp.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư
Theo quy hoạch, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các Cụm công nghiệp như: Hậu Thành, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Tân Lý Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh.
Hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp điện, cấp nước được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm...
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh Công Minh
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Để tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư, Tỉnh đang cùng với VNPT chuẩn bị dự án Khu công viên phần mềm Mê Kông; Liên kết với VNPT để định hướng xây dựng thành phố thông minh, nhằm tăng cường hỗ trợ DN, xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của DN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức, Tiền Giang đã lựa chọn và đưa vào danh mục các dự án đầu tư có tính khả thi cao. Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh đưa vào danh mục đầu tư chỉ có 31 dự án, trong đó có 22 dự án đã trao quyết định đầu tư, 9 dự án trao chủ trương nghiên cứu. Riêng chỉ có 19 dự án mời gọi đầu tư. Với chủ trương và cách làm như thế, tỉnh kỳ vọng và tin tưởng về tính hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm.
Chính phủ thấu hiểu điều này và dành nhiều ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng của Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương laiCác DN không nên chậm trễ trong việc triển khai các dự án đầu tư vào Tiền Giang vì Tiền Giang đang phát triển rất năng động. Với mức dư nợ tín dụng tương đương 63% của nền kinh tế, dư địa tăng trưởng cho các DN tại địa phương này còn rất nhiều”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Tiền Giang trong việc tổ chức tốt Hội nghị, gọn nhẹ nhưng bài bản, hiệu quả cùng những nỗ lực của Tiền Giang để thay đổi hình ảnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.