Hội nhập thuế quan: Những tác động tới cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam

ThS. DƯƠNG HOÀNG LINH

Việc đẩy mạnh tự do hoá thương mại đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu, tuy nhiên, việc cắt giảm thuế quan cũng làm kim ngạch và cơ cấu nhập khẩu, đặc biệt là cơ cấu nhập khẩu theo đối tác biến đổi đáng kể. Bài viết phân tích cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam và các tác động từ hội nhập tới cơ cấu nhập khẩu khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng nhập khẩu của Việt Nam

Ngay từ khi mở cửa kinh tế, nhập khẩu đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế và tăng trưởng một cách nhanh chóng. Nhập khẩu giữ một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các mặt hàng trong nước chưa có khả năng sản xuất và quan trọng hơn là cung cấp máy móc thiết bị cũng như nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt, từ khi chính thức gia nhập WTO năm 2007 đến nay, cùng với việc thực hiện các cam kết về loại bỏ các rào cản phi thương mại, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan, cắt giảm thuế quan, ngoại thương của Việt Nam mà trong đó có nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong giai đoạn này thuế suất nhập khẩu của Việt Nam đã liên tục được cắt giảm theo các hiệp định thương mại song phương, đa phương và các cam kết WTO, thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN). Theo đó, trung bình Việt Nam đã thực hiện cắt giảm từ 17,4% năm 2005 xuống còn 13,4% năm 2014, thậm chí, thuế suất với các nước đối tác chính như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc được giảm mạnh hơn theo các lộ trình cam kết FTA song phương. Cùng với việc thuế suất giảm, kinh tế trong nước tăng trưởng tốt khiến nhập khẩu tăng nhanh chóng. Ngoại trừ năm 2009 do tác động của khủng hoàng, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2007 - 2015, tính trung bình trong giai đoạn này mỗi năm kim ngạch nhập khẩu tăng trung bình hơn 17% gần tương đương với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (trung bình 19%/năm trong giai đoạn này), cao gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn này (trung bình 5,93%/năm). Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ 62,7 tỷ USD năm 2006 lên 148 tỷ USD năm 2014. Có thể thấy, việc hội nhập và cắt giảm thuế quan trong giai đoạn này có tác động tạo lập thương mại tương đối lớn đối với nhập khẩu của Việt Nam.

Cơ cấu nhập khẩu theo đối tác

Trong những năm trở lại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, trong khi đó nhập khẩu chủ yếu từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Nhập khẩu từ các nước này đã chiếm tới 73% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm gần 31% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Về biến đổi cơ cấu đối tác, cơ cấu đối tác nhập khẩu của Việt Nam tương đối tập trung, 7 đối tác lớn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Hoa Kỳ, Đức) chiếm khoảng 86-87% tổng kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam cũng biến đổi theo hướng ngày càng trở nên tập trung hơn ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu như năm 2007, tỷ trọng nhập khẩu từ 2 quốc gia trên chỉ chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, thì tính 7 tháng đầu năm 2015 đã tăng lên gần 50%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã không ngừng tăng lên từ những năm 1990 và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng lên. Trong 7 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc là 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 31% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngày càng có tỷ trọng cao hơn. Nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, riêng trong 7 tháng 2015, nhập khẩu từ Hàn Quốc lên tới 16,2 tỷ USD tăng tới 31,7% và chiếm tỷ trọng khoảng 17,5%. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ EU và Hoa Kỳ hầu như không có biến động, tỷ trọng của các nước như Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác có chiều hướng giảm nhẹ. Trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ khối ASEAN giảm khá mạnh từ năm 2007 tới nay, tuy nhiên nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Tác động của hội nhập đối với cơ cấu đối tác nhập khẩu

Sử dụng mô hình lực hấp dẫn với dữ liệu GDP, thuế suất, kim ngạch nhập khẩu và khoảng cách địa lý thu được kết quả cho thấy: Giữa thuế suất và nhập khẩu của Việt Nam có mối quan hệ tương đối chặt chẽ theo đó thấy thuế suất càng cao càng hạn chế nhập khẩu của Việt Nam từ các quốc gia đối tác, việc giảm 1% thuế suất có thể làm tăng 2,5% kim ngạch từ phía các nước đối tác. Từ lộ trình thuế suất của Việt Nam với các cam kết FTA (bảng 2) có thể tính toán tác động của cắt giảm thuế suất tới cơ cấu nhập khẩu Việt Nam ở một số đối tác chính (bảng 3).

Có thể thấy, việc cắt giảm thuế suất do hội nhập đã có tác động làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ở cả ba giai đoạn. Việc hội nhập ngày càng sâu, đồng nghĩa với việc thuế suất nhập khẩu được cắt giảm mạnh mẽ hơn sẽ có tác động mạnh hơn đối với tăng nhập khẩu của Việt Nam. Theo ước tính, trong giai đoạn từ 2014 - 2018, việc cắt giảm thuế quan sẽ có tác động làm tăng 5,28% đối với nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan cũng tạo ra hiệu ứng làm dịch chuyển thương mại giữa các quốc gia dẫn tới thay đổi cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.

Việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu đối với các quốc gia ký kết hiệp định tự do thương mại với Việt Nam sẽ tạo ra hiệu ứng tăng nhập khẩu từ các quốc gia này và giúp các tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các quốc gia này trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. Có thể thấy rõ trong giai đoạn từ 2007-2009, Nhật Bản và Hàn Quốc có mức độ giảm thuế suất cao được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại. Việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu tạo ra hiệu ứng làm tăng 6,18% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, và tăng 0,62 điểm % tỷ trọng nhập khẩu của Nhật Bản trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam; tăng 13,76% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, và tăng 1,24 điểm % tỷ trọng. Trong khi đó, giai đoạn này tác động của thuế suất tới các nước thuộc khu vực ASEAN và Trung Quốc là tương đối thấp.

Trong giai đoạn 2010-2013, thuế suất nhập khẩu từ Trung Quốc được cắt giảm mạnh theo lộ trình của hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, việc cắt giảm thuế tạo ra tác động làm tăng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc 16,85% và làm tăng khoảng 4,2 điểm % tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. Trong giai đoạn 2014-2018, tác động giảm thuế suất sẽ làm tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 2,9 điểm %, từ Nhật Bản 1,2 điểm % và Hàn Quốc là 1 điểm %. Trong khi đó, các quốc gia khác không có hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam như các nước EU và Hoa Kỳ không có sự thay đổi đáng kể tỷ trọng trong cơ cấu nhập khẩu.

Một số khuyến nghị

Có thể thấy, hội nhập có những tác động nhất định đối với nhập khẩu Việt Nam. Hội nhập có tác động làm tăng nhập khẩu Việt Nam nhưng cũng đồng thời cũng thúc đẩy hơn xu hướng tập trung hoá nhập khẩu từ các đối tác chính là Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đã chiếm gần 30% nhập khẩu của Việt Nam và chủ yếu là nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc phụ thuộc quá nhiều vào tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm tăng rủi ro về nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu đối với sản xuất của Việt Nam cũng như tính ổn định và độc lập của kinh tế. Quan trọng hơn, Việt Nam nhập khẩu khá nhiều máy móc thiết bị từ Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc chưa phải là quốc gia có công nghệ thực sự tiên tiến như Hoa Kỳ hay Nhật Bản, điều này có thể làm ảnh hưởng tới việc đổi mới công nghệ cũng như tăng năng suất sản xuất. Do đó, Việt Nam cần đa dạng hoá đối tác nhập khẩu, nguồn nhập khẩu và cung ứng hàng hoá nhằm hạn chế rủi ro, tăng tính độc lập, ổn định của nền kinh tế. Để làm được điều này cần chú trọng áp dụng các biện pháp sau:

- Đẩy mạnh hơn việc đàm phán các hiệp định thương mại song phương với các quốc gia khác và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Việt Nam tham gia TPP, việc thuế suất giảm, cùng với yêu cầu từ việc xuất khẩu sẽ góp phần làm chuyển dịch nhập khẩu của Việt Nam nhiều hơn sang các nước thuộc thành viên TPP và từ đó có thể hạn chế sự gia tăng tỷ trọng quá nhanh nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết FTA giữa EU và Việt Nam cũng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn tới thị trường cũng như nhập khẩu máy móc công nghệ của các nước EU.

- Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, việc tăng FDI cũng góp phần tăng tỷ trọng nhập khẩu khá lớn từ quốc gia đầu tư mà Hàn Quốc là ví dụ điển hình.