Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

“Ngành Tài chính luôn vượt qua khó khăn, để xây dựng phát triển đất nước”

Theo mof.gov.vn

Ngày 21/4/2016, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài chính về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016...Cùng tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại diện các Bộ: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ  kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Ảnh MT.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Ảnh MT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2011-2015, định hướng triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2011-2015 khó khăn hơn so với dự kiến, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng chủ động, tích cực, với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trong tình hình mới; đồng thời, từng bước cơ cấu lại NSNN.

Công tác điều hành tài chính – NSNN trong 5 năm qua đã bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đạt được tương đối toàn diện trên các mặt công tác, trong đó: Công tác xây dựng thể chế được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đã từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tài chính - NSNN theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, có tính bao quát cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách hành chính. Công tác điều hành thu, chi NSNN được thực hiện chủ động, linh hoạt, với quyết tâm cao.

Nhờ vậy, trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp miễn, giảm, gia hạn các khoản thu cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiệm vụ thu NSNN vẫn đạt 23,5% GDP, sát với kế hoạch đề ra; số thu NSNN hằng năm đều đạt và vượt dự toán, tạo điều kiện đáp ứng cao nhất các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, thực hiện cải cách tiền lương. Quy mô thu, chi NSNN có bước phát triển mạnh mẽ (tăng khoảng 2 lần so với giai đoạn trước). Thu NSNN được cơ cấu lại theo hướng vững chắc hơn, với tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN ngày càng cao (chiếm 68% tổng thu NSNN, riêng năm 2015 chiếm trên 74%). Chi NSNN từng bước được cơ cấu lại, ưu tiên chi cho con người và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, đã dành nguồn lực thỏa đáng cho đầu tư phát triển đạt mức 27% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cao hơn 5 năm trước (24,3%), đưa tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước chiếm khoảng 41% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (5 năm trước là 39%), qua đó thúc đẩy phụchồi kinh tế, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng.

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính, hội nhập tài chính quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2015, đã cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp (đạt 93% kế hoạch) và sắp xếp theo hình thức khác 80 doanh nghiệp; mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 34,5% GDP; mức vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 22% GDP; tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm tương đương 2% GDP. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý vốn và tài sản nhà nước... được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và quy trình nghiệp vụ thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… theo hướng chuẩn hóa, hiện đại nhằm giảm chi phí và thời gian thực hiện cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh.

Đối với lĩnh vực thuế, đã sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn được 420 giờ nộp thuế, từ mức 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm; kê khai nộp thuế điện tử đạt 98,95%, đăng ký nộp thuế điện tử đạt 95,3%. Đối với lĩnh vực hải quan, đã tự động hóa 100% quy trình; đưa vào triển khai hệ thống kiểm tra tự động VNACCS/VCIS giúp giảm thời gian thông quan; triển khai cơ chế một cửa ASEAN, tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại những điểm quan trọng...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính là tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính, nhất là về quản lý thu, chi ngân sách, quản lý ngân quỹ, tăng cường quản lý giám sát nợ công, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế....

Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chủ động, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo duy trì, củng cố và ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch của các thông tin tài chính ngân sách, thực hiện có kết quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, thông qua các giải pháp phù hợp, phấn đấu điều hành thu, chi NSNN đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tỷ lệ huy động vào NSNN so GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 20-21%; bội chi NSNN giảm dần, bình quân 5 năm khoảng 4% GDP; thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển; bố trí đầy đủ chi trả nợ; bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mặt công tác khác như: tái cơ cấu DNNN, phát triển thị trường tài chính, quản lý tài sản công, tài nguyên, khoáng sản, quản lý giá cả thị trường, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế.... Phấn đấu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 4.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, sự cố gắng và kết quả đạt được của ngành Tài chính, Bộ Tài chính trong 5 năm qua. Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: dù tình hình kinh tế - xã hội tuy có khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các Bộ, ngành cần phải có quyết tâm cao và tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn vì vậy chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh mức tăng trưởng GDP và kế hoạch tài chính ngân sách năm 2016. Các Bộ, ngành cần phải chủ động trong điều hành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên cơ sở đảm bảo kinh tế thị trường, không can thiệp quá sâu vào thị trường.

Bộ Tài chính thực hiện điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ đảm bảo nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để hội nhập quốc tế và đặc biệt là để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngân hàng phối hợp chặt chẽ trong điều hành kinh tế vĩ mô, làm tốt hơn chính sách quản lý kinh tế với quản lý giá cả, chống đầu cơ tích trữ, giảm lạm phát đồng thời tăng cường xây dựng thể chế chính sách tài chính dài hạn, tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các dự án đầu tư, nhất là giải ngân ODA cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản.