Hơn 90% doanh nghiệp giảm quy mô nhân sự do đại dịch
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện cuộc khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của gần 3.000 doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Theo phân tích của VCCI, tình trạng doanh nghiệp (DN) buộc phải cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô DN, trong đó khoảng 92% DN quy mô lớn, DN quy mô nhỏ và vừa từ 81 đến 90%.
Theo đó, trung bình có 90,8% DN được hỏi cho biết đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Cứ khoảng 10 DN thì có xấp xỉ 9 DN chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Theo phân tích của VCCI, tình trạng DN buộc phải cho NLĐ nghỉ việc tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô DN, trong đó khoảng 92% DN quy mô lớn, DN quy mô nhỏ và vừa từ 81 đến 90%.
Tình trạng NLĐ mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Hơn 97% DN ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.
Đáng chú ý, tình trạng NLĐ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93%, 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho NLĐ thôi việc; tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng là 78%.
VCCI đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh COVID-19”, thống nhất sử dụng một ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng. Trong đó, lưu ý tích hợp hoặc liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý thẻ xanh trong nước với “hộ chiếu vắc xin” quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho chuyên gia, lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
VCCI cũng mong muốn các địa phương chủ động hỗ trợ các DN đóng trên địa bàn thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc và chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ từ các địa phương khác trở về. Các địa phương nên có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ NLĐ bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…