Họp báo chính phủ tháng 4: Nhiều vấn đề “nóng” được giải đáp
(Tài chính) Ngày 29/4 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 4/2014 nhằm cung cấp cho cơ quan thông tin truyền thông và người dân về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 4/2014. Cũng tại kỳ họp báo này nhiều vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội quan tâm đã được đại diện các bộ, ngành của Chính phủ trả lời thẳng thắn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên điểm lại một số nét chính về tình hình KT-XH tháng 4/2014 vừa được Chính phủ họp, thảo luận từ sáng ngày 29/4 trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá, KT-XH tiếp tục đã chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, CPI tháng 4 tăng 0,08%, 4 tháng tăng 0,88% là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tình hình giá cả, thị trường ổn định, có cơ sở để kiểm soát được lạm phát năm 2014 ở mức 5-6%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1%; kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 45 tỷ USD tăng 13,7%. Xuất siêu 684 triệu USD. Tổng thu NSNN tăng khá, 4 tháng đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, nhìn chung Chính phủ nhận thấy nhiều mặt chuyển biến chưa cao.
Từ nhận định tình hình tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các thành viên Chính phủ các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng cần tập trung bám sát các kế hoạch, nghị quyết, chương trình, mục tiêu đã đề ra, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, đem lại kết quả cao hơn.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ODA, FDI để nhanh chóng tăng tổng cầu. Theo đánh giá của Chính phủ, một trong những lý do khiến CPI thấp một phần tổng cầu chưa có chuyển biến, tăng chậm, vì vậy Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các ngành chức năng tăng cường mọi biện pháp để triển khai chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả.
Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tập trung đặt câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân như bệnh sởi, kết luận thanh tra giá sữa, đề án đổi mới sách giáo khoa….
Trước câu hỏi về quan điểm của Chính phủ đối với phương án áp giá trần có thời hạn đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối trên thị trường sữa mà Bộ Tài chính tiến hành? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ khi kết luận phần này đã hoan nghênh, có thể nói là biểu dương sự vào cuộc kịp thời của báo chí.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở bộ, ngành chức năng có liên quan trong lĩnh vực kiểm tra thị trường, quản lý giá, có trách nhiệm liên quan tới sữa phải tự xem xét lại để rút kinh nghiệm. Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thống nhất quản lý sữa chặt chẽ hơn bằng cách quy định giá trần và bán sữa phải niêm yết thời giá. Khi quyết định chọn phương án này, Chính phủ cũng đã cân nhắc về tính hợp pháp, hợp lý và nhận định việc áp dụng giá trần có thời hạn không chỉ đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý, đúng quan điểm mà còn đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, giám sát quản lý lĩnh vực này để doanh nghiệp, người buôn bán cũng phải biết chia sẻ khó khăn với người dân, thu lợi nhuận với mức vừa phải.
Làm rõ thêm nội dung câu hỏi về kết luận của các đoàn thanh tra giá sữa, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, ngày 29/4, Bộ Tài chính đã ký 5 kết luận thanh tra đối với 5 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần sữa. Kết quả thanh tra có thể tóm tắt những nội dung cơ bản như sau:
Thứ trưởng Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Nguồn: mof.gov.vn |
Thứ nhất, kết quả thanh tra cho năm 2013 và 3 tháng 2014 thấy rằng các công ty đều có điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2013, có 4 công ty tăng giá một lần, một công ty Mead Johnson Nutrition tăng 2 lần. Mặt hàng tăng giá thấp nhất là 2,4%, mặt hàng tăng giá cao nhất là 30,6%. Qua công tác thanh tra đã phát hiện các vi phạm liên quan đến kê khai thiếu các sản phẩm đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Bộ Tài chính đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với doanh nghiệp với mức xử phạt 45 triệu đồng; phát hiện kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách Nhà nước đối với 4 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Tổng số thuế yêu cầu truy thu và nộp ngân sách là 10 tỷ 200 triệu đồng, Ngoài ra đang xem xét xử lý các quy định đối với số tiền phải trả về phí bản quyền và các khoản thu hộ, chi hộ đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam. Đó là các xử lý về tài chính.
Thứ hai, Bộ Tài chính triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ pháp luật giá và chỉ ra một số vấn đề mà các công ty sữa phải thực hiện sau thanh tra. Đó là yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa này phải chấn chỉnh toàn thị trường, chấp hành nghiêm pháp luật về giá, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thực hiện ngay việc rà soát tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Qua thanh tra, chi phí này đã vượt mức khống chế 10% so với các chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số là 4/5 công ty, với số tiền 386 tỷ đồng.
Thứ ba là yêu cầu các công ty rà soát lại giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo phù hợp với chi phí và lợi nhuận của sản phẩm này và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thuế.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản số 250 ngày 28/4/2014 cho áp dụng các biện pháp bình ổn giá quy định tại Điều 17 của Luật giá. Tại phiên họp Chính phủ ngày 29/4, các Bộ, ngành cũng rất đồng tình và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đồng ý với phương án của Bộ Tài chính tại Tờ trình ngày 28/4. Cụ thể là, căn cứ tại Khoản 4 Điều 17 Luật Giá, sẽ thực hiện biện pháp đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thời gian đăng ký là 6 tháng. Căn cứ khoản 7 Điều 17 Luật Giá, thực hiện biện pháp quy định giá tối đa đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian áp giá trần là 12 tháng. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thực hiện giải pháp bình ổn giá này.
Thứ trưởng cũng khẳng định, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết về phiên họp, căn cứ vào Nghị quyết đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sẽ triển khai khẩn trương và quyết liệt để thực hiện kết luận và nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên báo Dân trí về đánh giá của Bộ Tài về tình hình nợ công hiện nay và lý giải tại sao trước đây tỷ lệ nợ công được các chuyên gia đánh giá có thể lên đến 98% nhưng tại diễn đàn kinh tế mùa xuân năm nay, mức cảnh báo có thể tới 100%. Bộ Tài chính đã có những tư vấn, khuyến nghị nào đối với Chính phủ trong việc quản lý nợ công hay chưa?
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, ước đến ngày 31/12/2013 dư nợ nợ công bằng 53,5% GDP (giới hạn đã được quy định lại Luật Quản lý nợ công là không quá 65%). Con số 53,5% cuối năm 2013 cũng có thay đổi so với trước đây một chút do các khoản nợ ODA Nhật Bản bằng đồng Yên. Tỉ giá đồng Yên trong năm qua biến động từ 82 yên/USD lên 105 yên/USD khiến nợ công của Việt Nam tính theo tỉ giá biến động làm cho nợ công tính theo USD giảm đi. Dư nợ Chính phủ tính đến 31/12/2013 là 41,7% GDP (Luật Quản lý nợ công giới hạn mức này không quá 50% GDP). Như vậy, căn cứ theo Luật quản lý nợ công, các chỉ số nợ vẫn đảm bảo giới hạn an toàn cho phép.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, số liệu nợ công do Bộ Tài chính công bố đã bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.